Sữa hạt có thay thế được sữa bò không?

Do lo ngại về dị ứng đạm sữa và không dung nạp lactose, nhiều bậc phụ huynh đang cân nhắc lựa chọn thay thế sữa bò cho con em mình. Trong đó, sữa hạt ngày càng được quan tâm và đặt ra câu hỏi: Liệu sữa hạt có thể thay thế hoàn toàn sữa bò hay không? Hãy cùng AN Care Pharma tìm hiểu ngay sau đây!

1. Vì sao nhiều người tìm kiếm sữa hạt thay thế sữa bò?

Sự phổ biến của sữa hạt chủ yếu đến từ các vấn đề sức khỏe như không dung nạp lactose và dị ứng protein sữa. Ngoài ra, xu hướng ăn thuần chay, ý thức bảo vệ môi trường, quan tâm đến phúc lợi động vật và mong muốn một chế độ ăn uống lành mạnh hơn cũng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của sữa hạt trên thị trường.

Hiện nay, các loại sữa hạt phổ biến bao gồm sữa hạnh nhân, yến mạch, đậu nành, hạt điều, dừa và nhiều sản phẩm kết hợp từ các loại hạt này. Với sự sáng tạo không ngừng trong ngành thực phẩm, thị trường sữa hạt tiếp tục mở rộng với nhiều lựa chọn mới mẻ và đa dạng hơn.

Sữa hạt thường được quảng bá như một lựa chọn thay thế lành mạnh hơn cho sữa bò và thường được gọi là “sữa”, dù về mặt khái niệm không hoàn toàn chính xác.

Tại Châu Âu, việc sử dụng thuật ngữ “sữa” không đúng cách đã dẫn đến quy định pháp lý chặt chẽ hơn trong Tổ chức Thị trường Chung (EU) theo Quy định số 1308/2013. Kể từ năm 2013, thuật ngữ “sữa” bị cấm sử dụng trên nhãn sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhằm tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Vì sao nhiều người tìm kiếm sữa hạt thay thế sữa bò?
Vì sao nhiều người tìm kiếm sữa hạt thay thế sữa bò?

2. So sánh thành phần sữa hạt và sữa bò

2.1 Thành phần Protein

  • Xét về số lượng, một số loại sữa hạt có hàm lượng protein thô cao hơn sữa bò.Hàm lượng protein trong các loại sữa hạt có sự chênh lệch lớn, dao động từ 0,6g/kg (sữa gạo) đến 43,0g/kg (sữa đậu nành). Trong khi đó, sữa bò chứa 32,6g protein/kg.
  • Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng protein theo khả năng hấp thu axit amin thiết yếu tại ruột non (DIAAS) ở nhóm tuổi 3-6, sữa bò vẫn vượt trội hơn hẳn so với các loại sữa hạt. Chỉ có sữa đậu nành là có chất lượng protein cao nhất trong nhóm sữa thực vật, với tỷ lệ hấp thu 91,9%.
Sữa đậu nành là có chất lượng protein cao nhất trong nhóm sữa hạt
Sữa đậu nành là có chất lượng protein cao nhất trong nhóm sữa hạt
  • Ngoài ra, hầu hết các loại sữa hạt đều thiếu hụt từ 2 đến 8 axit amin thiết yếu (đậu nành thiếu 2, trong khi hạnh nhân, gạo, dừa và gai dầu thiếu đến 8), khiến chất lượng protein của chúng thấp hơn đáng kể so với sữa bò, đặc biệt khi xét trên nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nhỏ.
  • Trong nhóm tuổi sơ sinh (dưới 6 tháng) tất cả các loại sữa hạt đều có giá trị DIAAS không đạt mức đầy đủ, dao động từ 27,1% (sữa hạnh nhân) đến 71,2% (sữa đậu nành). Điều này cho thấy sữa hạt không thể cung cấp đầy đủ axit amin thiết yếu theo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh.

2.2 Thành phần Lipid

  • Hàm lượng chất béo cao nhất: Sữa hạt điều (27,6 g/kg), tiếp theo là sữa hạnh nhân và sữa đậu nành. Sữa gai dầu (32,6 g/kg) có lượng chất béo cao, gần giống với sữa bò (35,4 g/kg).
  • Hàm lượng chất béo thấp: Đồ uống yến mạch, gạo, dừa và lúa mì.
  • Thành phần axit béo:
    • Hầu hết đồ uống thực vật chứa axit béo chuỗi dài, trừ dừa.
    • Các đồ uống thực vật khác chứa chủ yếu axit béo đơn và đa không bão hòa.
Sữa dừa - thành phần khác biệt về chất béo với hầu hết các loại sữa hạt
Sữa dừa – thành phần khác biệt về chất béo với hầu hết các loại sữa hạt
  • Tỷ lệ Omega-6/Omega-3:
    • Đồ uống thực vật (trừ đậu nành) có tỷ lệ omega-6 cao hơn.
    • Omega-3 đáng kể chỉ có trong đậu nành và sữa, giúp cân bằng tỷ lệ omega-6/omega-3.
  • Sữa hạt có lượng lipid và năng lượng thấp hơn so với sữa bò, đồng thời nổi bật với thành phần chất béo tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ đặc điểm của từng loại hạt, đặc biệt là dừa, do cấu trúc chất béo của nó khác biệt so với các loại hạt khác.

2.3 Thành phần Glucid

  • Các loại carbohydrate có trong sữa hạt và sữa bò: sucrose, fructose, glucose, lactose, tinh bột và chất xơ.
  • Sữa hạt và sữa bò chứa nhiều loại carbohydrate khác nhau, trong đó sữa gạo có hàm lượng cao nhất 73,2 g/kg. Những đối tượng cần hạn chế carbohydrate nên tránh sữa từ ngũ cốc như gạo, yến mạch, chủ yếu do tinh bột, trong khi hạnh nhân, đậu nành và cây gai dầu có ít carbohydrate. Sữa bò chứa chủ yếu lactose, còn sữa hạt thường chứa sucrose và glucose, ảnh hưởng đến độ ngọt.
  • Nhiều sản phẩm thay thế sữa có thêm muối, đường, chất phụ gia, làm giảm lợi ích dinh dưỡng và có thể tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch.
  • Ngoài ra, sữa hạt phải qua nhiều bước chế biến, đặt ra câu hỏi về tính bền vững và lợi ích sức khỏe thực sự của chúng.

2.4 Thành phần khoáng chất

  • Iốt chỉ có trong sữa bò, với hàm lượng là 242 µg/kg.
  • Hầu hết khoáng chất có nồng độ cao hơn trong sữa động vật so với các loại sữa hạt, ngoại trừ magie (Mg). Sữa gạo nghèo khoáng chất nhất, thiếu Mg, K, S và có lượng Ca, P, Na thấp đến trung bình. Ngược lại, sữa đậu nành giàu khoáng chất nhất trong các loại sữa hạt.
  • Canxi (Ca) trong sữa bò cao hơn khoảng 10 lần so với sữa hạt (~1000 mg/L), trong khi đậu nành có hàm lượng Ca cao nhất trong các loại sữa hạt (~260 mg/L). Hàm lượng khoáng chất thấp trong sữa hạt có thể do tỉ lệ nguyên liệu thực vật thấp và nguyên liệu đã qua chế biến, tách vỏ.
  • Sữa bò được coi là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho phát triển xương, nên nhiều sữa hạt được bổ sung Ca để đạt mức tương đương.
  • Theo EFSA (2017), người lớn trên 25 tuổi cần 950 mg Ca/ngày, có thể đáp ứng bằng 890 mL sữa bò hoặc 1077 mL sữa dê. Ngược lại, cần đến 3654 mL đậu nành không bổ sung hoặc 7600 mL sữa gạo để đạt mức Canxi theo khuyến nghị, cho thấy sữa hạt tự nhiên không thể thay thế hoàn toàn sữa động vật về khoáng chất.

3. Kết luận

Lựa chọn giữa sữa hạt và sữa bò thực sự cần được cân nhắc dựa trên nhu cầu dinh dưỡng cụ thể, độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe của từng người.

  • Trẻ nhỏ:
    Trẻ cần một nguồn dinh dưỡng đa dạng, dễ hấp thu với hàm lượng và chất lượng protein, canxi và vitamin D cao để hỗ trợ sự phát triển xương, răng và hệ miễn dịch. Vì vậy, sữa bò (hoặc sữa đậu nành tăng cường vi chất) thường được khuyến nghị cho trẻ nhỏ.

Sữa bò thường được khuyến nghị cho trẻ nhỏ
Sữa bò thường được khuyến nghị cho trẻ nhỏ
  • Người lớn:
    Đối với người lớn, nhất là những người ăn chay hoặc không dung nạp lactose, sữa hạt là một lựa chọn thay thế hợp lý. Tuy nhiên, do sữa hạt thường có chất lượng protein thấp và thiếu hụt nhiều thành phần axit amin, nên cần kết hợp với chế độ ăn phong phú các dưỡng chất khác để bù đắp những thiếu sót đó.

Cần lưu ý rằng không có lựa chọn tốt nhất; mà mỗi loại sữa có ưu và nhược điểm riêng phù hợp với từng đối tượng sử dụng. Nếu cần tư vấn chi tiết hơn, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ.

Tài liệu tham khảo:

1 How animal milk and plant-based alternatives diverge in terms of fatty acid, amino acid, and mineral composition/S. S. Moore, A. Costa, M. Pozza, T. Vamerali, G. Niero, S. Censi & M. De Marchi/ npj Science of Food

2 Comparison of nutritional composition between plant-based drinks and cow’s milk/ Barbara Walther, Dominik Guggisberg , René Badertscher, Lotti Egger 1, Reto Portmann, Sébastien Dubois, Max Haldimann, Katrin Kopf-Bolanz, Peter Rhyn, Otmar Zoller, Rosmarie Veraguth, Serge Rezzi

Tìm hiểu các bài viết liên quan tại ĐÂY

Để được tư vấn cụ thể, hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/