Sau sinh, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi về thể chất và tâm lý. Bổ sung sắt là yếu tố quan trọng giúp mẹ phục hồi tốt hơn. Vậy sắt có vai trò gì và mẹ có cần bổ sung sắt sau sinh không? Hãy cùng An Care Pharma tìm hiểu tầm quan trọng của việc bổ sung sắt cho mẹ sau sinh nhé!
1. Thiếu máu do thiếu sắt
1.1. Mất máu trong quá trình sinh nở
Dù sinh thường hay sinh mổ, quá trình sinh nở đều khiến mẹ mất một lượng máu đáng kể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sản phụ trung bình mất khoảng 500 mL máu khi sinh thường và khoảng 1000 mL máu khi sinh mổ.
Hậu quả: Mất máu khi sinh làm giảm lượng sắt dự trữ trong cơ thể, bởi sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hemoglobin – protein thiết yếu giúp vận chuyển oxy trong máu.

Sau sinh, cơ thể mẹ phải tập trung vào việc hồi phục từ quá trình sinh nở, tạo ra năng lượng để sản xuất sữa và chăm sóc em bé. Hậu quả: thiếu sắt khiến cơ thể suy kiệt, dẫn đến vấn đề sức khỏe như mệt mỏi, kiệt sức và khó khăn trong việc duy trì nguồn sữa chất lượng cho con.
1.2. Các dấu hiệu của thiếu máu thiếu sắt:
- Mệt mỏi: Mẹ sẽ cảm thấy kiệt sức, ngay cả sau khi đã nghỉ ngơi đầy đủ. Đây là dấu hiệu phổ biến nhất của thiếu sắt.
- Da, niêm mạc nhợt nhạt: Khi thiếu sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ hemoglobin, dẫn đến da, niêm mạc nhợt nhạt.
- Chóng mặt và khó thở: Thiếu oxy trong máu làm cho mẹ dễ bị hoa mắt, chóng mặt, thậm chí khó thở khi hoạt động.
- Tim đập nhanh hoặc không đều: Khi máu không đủ hồng cầu, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ oxy đi khắp cơ thể, dẫn đến tim đập nhanh hoặc không đều.

2. Vai trò của sắt
2.1. Ảnh hưởng đến sữa mẹ và sức khỏe bé
Sắt trong sữa mẹ tuy không nhiều nhưng có khả năng hấp thụ tốt hơn so với sắt từ thực phẩm. Nếu mẹ bị thiếu sắt nghiêm trọng, không chỉ sức khỏe bị ảnh hưởng mà còn làm giảm chất lượng sữa, tác động đến sự phát triển của bé. Điều này đặc biệt quan trọng trong 6 tháng đầu đời, khi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ.
Đối với bé: Sắt là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển não bộ và hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh. Dù lượng sắt trong sữa mẹ không nhiều, nhưng rất dễ hấp thụ. Nếu mẹ có đủ sắt, bé sẽ nhận được nguồn sữa tốt nhất, giúp bé phát triển toàn diện, cả về thể chất và trí tuệ.
2.2. Tăng cường hệ miễn dịch
Sắt có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch, liên quan trực tiếp đến quá trình sản sinh bạch cầu. Sau khi sinh, cơ thể mẹ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt khi sức đề kháng suy giảm do thiếu sắt. Việc duy trì đủ lượng sắt giúp mẹ chống lại các tác nhân gây bệnh, giúp quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi hơn.

2.3. Hồi phục thể chất và sức khỏe tâm thần
- Phục hồi thể chất: Cơ thể mẹ cần sắt để tạo ra đủ hồng cầu và đưa oxy đến các cơ quan, đặc biệt là sau khi mất một lượng lớn máu trong quá trình sinh. Nếu lượng sắt không đủ, quá trình hồi phục bị chậm lại, khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, dễ bị chóng mặt, thậm chí khó thở.
- Sức khỏe tâm thần: Thiếu sắt không chỉ ảnh hưởng đến thể lực mà còn liên quan mật thiết đến sức khỏe tâm lý. Nghiên cứu cho thấy, thiếu sắt có thể làm gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, do não không nhận đủ oxy cần thiết để hoạt động tối ưu. Trạng thái tinh thần tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh.
3. Phòng ngừa và điều trị thiếu sắt
- Xét nghiệm máu định kỳ: Để xác định lượng sắt trong cơ thể, mẹ nên thực hiện các xét nghiệm máu sau sinh để bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên chính xác về việc bổ sung sắt.
- Chế độ ăn giàu sắt: Mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn hàng ngày như thịt đỏ, hải sản, trứng, các loại rau xanh lá đậm và các loại đậu.

- Sau sinh: Bác sĩ thường khuyến cáo mẹ sau sinh nên tiếp tục bổ sung sắt trong ít nhất 6 tuần đầu, đặc biệt nếu mẹ có dấu hiệu thiếu máu hoặc mất máu nhiều khi sinh.
- Uống viên sắt theo chỉ định: Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê viên sắt để mẹ bổ sung thêm, giúp đảm bảo lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên tự ý uống sắt mà không có sự chỉ dẫn từ bác sĩ để tránh nguy cơ thừa sắt, gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Tài liệu tham khảo: WHO Recommendations for the Prevention and Treatment of Postpartum Haemorrhage (2012)
Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong-vi/
Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma