Quá tải đường lactose là tình trạng có thể gặp ở trẻ sơ sinh từ 3 – 6 tháng tuổi và dễ bị chẩn đoán nhầm thành bất dung nạp lactose khiến mẹ chuyển sang cho trẻ dùng sữa free lactose hay các thực phẩm bổ sung không phù hợp. Điều này có thể dẫn đến tình trạng trẻ kém ăn chậm hồi phục. Bài viết dưới đây AN Care Pharma sẽ cung cấp thông tin cho bạn đọc rõ hơn về tình trạng này.

1. Tổng quan về bất dung nạp lactose và quá tải lactose
1.1 Công dụng của đường lactose đối với trẻ sơ sinh
Đường lactose là thành phần carbohydrate chiếm 7% trong sữa mẹ, đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ. Giúp hỗ trợ hấp thu canxi cần cho sự phát triển của xương và nhiều chức năng khác của cơ thể. Bên cạnh đó, lactose còn hỗ trợ hấp thu phospho cần thiết cho não và hỗ trợ sự phát triển của lợi khuẩn đường ruột.
Quá tải hay bất dung nạp lactose đều là tình trạng thiếu men lactacse dẫn đến lactose không tiêu hóa được gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, phần lớn các biểu hiện của 2 tình trạng này đều giống nhau, nên dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị.
1.2 Bất dung nạp Lactose là gì?
Bất dung nạp lactose là do cơ thể không tiết đủ enzyme lactase tiêu hóa tiêu hóa đường lactose trong sữa.
Bất dung nạp lactose ở trẻ được phân loại như sau:
- Bất dung nạp lactose nguyên phát: Thường xảy ra ở trẻ lớn do thay đổi chế độ dinh dưỡng thường xuyên hay ít được sử dụng hoặc cắt giảm hoàn toàn sữa và các thực phẩm từ sữa. Nên khi sử dụng lại các sản phẩm từ sữa trẻ sẽ không dung nạp được lactose vì thiếu các enzym lactase để phân hủy lactose trong đường ruột.
- Bất dung nạp lactose thứ phát: Tình trạng này xảy ra khi đường ruột bị tổn thương do sau phẫu thuật, chấn thương hay bị các bệnh như: nhiễm trùng ruột, bệnh Crohn, bệnh Celiac,… dẫn tới ruột giảm tiết enzyme lactase.
- Bất dung nạp lactose bẩm sinh: Trường hợp này rất hiếm gặp. Trẻ sinh non có nguy cơ cao hơn do lượng lactase phát triển mạnh trong 3 tháng cuối thai kỳ.
1.3 Quá tải lactose
Quá tải lactose là tình trạng trẻ nạp quá nhiều đường lactose, vượt quá khả năng phân giải của đường ruột. Lượng lactose dư thừa xuống đại tràng, lên men dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu.
Nguyên nhân gây quá tải lactose:
Trẻ háu đói hay được mẹ cho bú nhiều sữa hơn mức cần thiết. Trẻ bú bình có nguy cơ cao hơn do trẻ không tự chủ điều chỉnh được lượng sữa trẻ bú.
Mẹ chủ động hoán đổi bầu ngực quá sớm khiến trẻ bú nhiều sữa đầu. Trong khi đó sữa đầu chứa nhiều lactose khiến hệ tiêu hóa của bé bị quá tải.

2. Phân biệt quá tải lactose và bất dung nạp lactose
2.1 Điểm giống nhau:
Quá tải lactose còn được gọi là rối loạn chức năng lactase thường dễ bị nhầm lẫn với bất dung nạp lactose hay thậm chí là rối loạn tiêu hoá ở trẻ vì những triệu chứng khá giống nhau có thể kể đến như:
- Đau bụng, đầy hơi.
- Đi ngoài phân xanh, lỏng, có mùi chua.
- Xì hơi nhiều, hay quấy khóc.
- Đi ngoài có bọt nhiều (bắn ra một lực lớn dẫn tới tung toé phân).
- 2.2 Điểm khác nhau:
2.2 Phân biệt quá tải lactose dựa trên các đặc điểm lâm sàng:
- Độ tuổi trẻ gặp phải
- Thay đổi cân nặng
- Các đặc điểm khác như số lần đi tiểu, tình trạng ăn uống.
Với quá tải lactose:
Thường gặp ở trẻ từ 3-6 tháng tuổi: Vào giai đoạn này hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, nếu mẹ cho con ăn hoặc bú quá nhiều dẫn tới con không thể hấp thụ được hết lượng lactose trong sữa. Đối với những trẻ lớn hơn, có thể tự phản ứng được khi đã ăn no và cảm thấy đủ, hệ tiêu hóa đã dần hoàn thiện nên tình trạng này cùng ít gặp hơn.
Trẻ tăng cân bình thường, thậm chí là tăng cân nhiều: Trẻ bị quá tải lactose vẫn có thể hấp thu được lactose nên trẻ vẫn có thể tăng cân.
Trẻ hay có biểu hiện mệt mỏi vào giờ sáng sớm và có biểu hiện háu đói: Lactose là nguồn cung cấp năng lượng lớn cho trẻ, nên vào buổi sáng khi lactose chưa được chuyển hóa thành năng lượng nên trẻ dễ gặp phải tình trạng mệt mỏi. Bên cạnh đó trẻ bị quá tải lactose do ăn quá nhiều làm lượng lactose đi vào đường ruột quá nhiều và nhanh nên lượng lactose tiêu hóa không kịp, trẻ đi lỏng nhiều nên có biểu hiện háu đói.
Với bất dung nạp lactose:
- Có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào.
- Trẻ chậm tăng cân: Trẻ bất dung nạp lactose sẽ không dung nạp được lượng lactose vào cơ thể nên dẫn đến tình trạng trẻ thiếu chất dinh dưỡng và chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Đây là dấu hiệu lâm sàng quan trọng để phân biệt bất dung nạp lactose và quá tải lactose.
- Trẻ không có biểu hiện háu đói hay đi tiểu nhiều lần/ngày.
- Tuy nhiên, để chẩn đoán phân biệt chính xác cần dựa vào test hơi thở Hydro tại các cơ sở y tế uy tín.
Test hơi thở Hydro: Cho trẻ uống nước có chứa nhiều đường lactose. Lactose không tiêu hóa được sẽ xuống ruột già và lên men sinh ra hơi Hydro. Nếu kết quả lượng hydro tăng hơn 12 lần so với kết quả kiểm tra lúc đói ban đầu thì cho thấy trẻ bị bất dung nạp lactose.
3. Làm gì khi trẻ bị quá tải đường lactose?
Việc làm cần thiết đó là cân đối lượng lactose trong chế độ ăn của bé. Cho trẻ bú đúng cách là cách khắc phục tình trạng quá tải lactose trong sữa mẹ tốt :
- Cho trẻ bú đúng cữ và theo nhu cầu để không bị quá tải đường lactose.
- Cho trẻ bú hết một bên vú, trẻ nhả núm vú ra mới đổi sang bên còn lại.
- Cho trẻ bú 2 lần liên tiếp cùng một bên, sau đó đổi bên (và chỉ vắt bên không cho bú, để tránh cương cúng, đối với mẹ có quá nhiều sữa).
- Cho con bú hoàn toàn trực tiếp từ khi còn sơ sinh.
- Ngay cả khi cần cho trẻ bú bình, không nên cho trẻ bú quá no.
- Mẹ ăn uống điều độ, đủ dinh dưỡng, không để mất sữa do sử dụng các loại thuốc hoặc thảo mộc cai sữa.
- Kiểm tra thấy phân trẻ chuyển từ xanh sang vàng, ít bọt kèm với giảm chứng ủ rũ là việc điều chỉnh đã có hiệu quả.
Nguồn: Vinmec.
Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong/
Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/