Mối nguy sức khỏe từ các bệnh không lây nhiễm

Với sự phát triển của vaccine, kháng sinh, các loại bệnh truyền nhiễm đã từng gây nên các đại dịch từng giết chết hàng triệu người đã được kiểm soát tốt hơn. Bên cạnh đó, bệnh không lây nhiễm (non-communicable disease- NCD) đã nổi lên như một gánh nặng bệnh tật toàn cầu trong thế kỉ 21, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đặc biệt là ở các nước thu nhập trung bình và thấp, chiếm tới 80% số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm trên toàn cầu.

Tỷ lệ suy giảm sức khỏe do bệnh không lây nhiễm năm 2019
Tỷ lệ suy giảm sức khỏe do bệnh không lây nhiễm năm 2019

1. Bệnh không lây nhiễm là gì?

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là bệnh mãn tính không lây truyền, bệnh phát triển và tiến triển chậm kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài thậm chí cả cuộc đời.

Thế giới và Việt Nam hiện nay đang ưu tiên 4 nhóm bệnh phổ biến và nguy hiểm:

  • Tim mạch (tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu;
  • Ung thư các loại;
  • Đái tháo đường;
  • Bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản).

Các bệnh này đều có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành nhưng có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được.

2. Thực trạng bệnh không lây nhiễm trên thế giới và Việt Nam

Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019 ước tính rằng các bệnh không lây nhiễm chiếm gần 90% số ca tử vong và sự hiện diện của tình trạng đa bệnh (tức là sự xuất hiện đồng thời của nhiều tình trạng bệnh lý trong cùng một cá nhân) là phổ biến ở những người mắc bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là khi tuổi ngày càng tăng. 

Theo thống kê năm 2019, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim mạch, trở thành bệnh lý phổ biến nhất thế giới hiện nay với 1,28 tỷ người trưởng thành từ 30-79 tuổi mắc theo ước tính của WHO.

Đáng chú ý là tốc độ gia tăng chóng mặt của số người mắc THA: tăng lên gấp đôi từ 650 triệu lên 1,28 tỷ người trong 30 năm, từ năm 1990 đến năm 2019. Trong đó gần một nửa số người mắc không biết mình bị THA. Các biến chứng nguy hiểm cùng sự “giết người thầm lặng” của THA đã biến THA trở thành yếu tố nguy cơ lớn nhất của gánh nặng bệnh tật toàn cầu và là nguyên nhân gây ra cái chết của 9,4 triệu người mỗi năm.

Tăng huyết áp là tình trạng bệnh lý phổ biến nhất trên thế giới
Tăng huyết áp là tình trạng bệnh lý phổ biến nhất trên thế giới

Tại Việt Nam, số người mắc bệnh không lây nhiễm hiện nay là rất lớn, ước tính toàn quốc khoảng 22 triệu người mắc. Báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tỷ lệ bệnh không lây nhiễm đang tăng nhanh và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta.

Theo thống kê tại bệnh viện, trong khi tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% (năm 1976) xuống còn 19,8% (năm 2010) thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng nhanh từ 42,6% (năm 1976) lên tới 71,6% (năm 2010).

Cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Ước tính năm 2016, Việt Nam có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do BKLN chiếm 77% (424.000 ca), 44% số ca tử vong do BKLN là trước 70 tuổi. Gánh nặng bệnh tật do BKLN chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật.

3. Các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các yếu tố nguy cơ chính của bệnh không lây nhiễm (NCD) bao gồm các yếu tố nguy cơ về hành vi và chuyển hóa. Các yếu tố nguy cơ hành vi bao gồm sử dụng thuốc lá, ít hoạt động thể chất, sử dụng rượu quá mức và nguy cơ về chế độ ăn uống. Các yếu tố nguy cơ chuyển hóa bao gồm tăng huyết áp, thừa cân và béo phì, tăng đường huyết và tăng lipid máu.

3.1. Hút thuốc

Thuốc lá (bao gồm cả khói thuốc thụ động) góp phần gây ra 7,2 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc), ở nữ giới là 1,4%. Hai phần ba số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà. 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.
Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Theo điều tra tại bênh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật.
Hiện nay gánh nặng bệnh tật các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.
Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030.

3.2. Tiêu thụ đồ uống có cồn quá mức

Tiêu thụ rượu góp phần gây ra 1,8 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2020 à là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong ở nam giới từ 15–49 tuổi. Uống rượu quá mức khuyến nghị là nguyên chính gây xơ gan và ung thư gan, gián tiếp gây ra các loại ung thư, rối loạn tâm thần và hành vi, lao và chấn thương. Đồng thời uống rượu bia cũng làm giảm hiệu quả điều trị các bệnh do tương tác với thuốc.

3.3. Dinh dưỡng không hợp lý

Dinh dưỡng đang giữ vị trí hàng đầu như là một yếu tố quyết định chính có thể điều chỉnh được đối với các bệnh mạn tính không lây, với các bằng chứng khoa học ngày càng nhiều, ủng hộ cho quan điểm sự thay đổi trong chế độ ăn tạo ra những sự tác động mạnh mẽ, cả tích cực lẫn tiêu cực, tới sức khỏe suốt cả cuộc đời của mỗi người. 

Sự thay đổi nhanh chóng của chế độ ăn và lối sống xảy ra cùng với công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế và toàn cầu hóa thị trường, đã làm thay đổi các thói quen ăn uống theo hướng tiêu cực, cụ thể:

  • Tiêu thụ ít trái cây và rau quả góp phần gây ra 31% bệnh tim mạch vành và 11% đột quỵ do thiếu máu cục bộ. 
  • Chế độ ăn nhiều thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn góp phần gây ra 40% số ca tử vong liên quan đến NCD trên toàn cầu.
  • Ăn ít rau và quả: Là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới, trong đó có 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ. Hiện nay hơn một nửa dân số trưởng thành Việt Nam ăn thiếu rau, quả.
  • Ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng:  Bằng chứng khoa học cho thấy thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo và đường, làm tăng nguy cơ béo phì và tác hại cũng giống như ăn ít rau và quả chín.
  • Ăn thực phẩm có nhiều chất béo no (có nhiều trong mỡ động vật) và chất béo chuyển hóa (Trans fatty acid – thường có trong thực phẩm chế biến sẵn) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường.
  • Ăn nhiều muối: Lượng muối ăn vào hàng ngày làm tăng nguy cơ của tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. Hiện nay người trưởng thành Việt Nam đang ăn (9,4g/ngày) nhiều gần gấp hai lần mức khuyến nghị.
Dinh dưỡng là một yếu tố quyết định chính có thể điều chỉnh được đối với các bệnh không lây nhiễm
Dinh dưỡng là một yếu tố quyết định chính có thể điều chỉnh được đối với các bệnh không lây nhiễm

3.4. Ít hoạt động thể lực

Ít hoạt động thể chất là một yếu tố nguy cơ gây tử vong sớm và một số bệnh không lây nhiễm. Người ta ước tính rằng trong năm 2008, việc không hoạt động thể chất gây ra 6-10% trường hợp tử vong sớm, bệnh tim mạch vành, tiểu đường tuýp 2, ung thư vú và ung thư ruột kết trên toàn cầu.

Mặc dù hoạt động thể chất được thừa nhận rộng rãi như một hành vi nâng cao sức khỏe, nhưng trên toàn cầu vẫn có 27,5% người trưởng thành không đáp ứng các hướng dẫn y tế công cộng hiện hành về hoạt động thể chất. 

Có sự khác biệt lớn trên toàn cầu về mức độ phổ biến và xu hướng không hoạt động thể chất. Ví dụ, tỷ lệ không hoạt động thể chất năm 2016 cao hơn gấp đôi ở các nước thu nhập cao (36,8%) so với các nước thu nhập thấp (16,2%), và tỷ lệ không hoạt động thể chất tăng ở các nước thu nhập cao từ năm 2001 đến năm 2016.

Nguồn: Pubmed, Sở y tế

Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong/

Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/