Tiêu chảy cấp là bệnh rất phổ biến ở trẻ em và là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ăn uống không hợp lý, môi trường vệ sinh kém, thiếu kiến thức về tiêu chảy là những nguyên nhân chính khiến tiêu chảy là một vấn đề y tế và gánh nặng kinh tế đối với các nước đang phát triển.
Trong số các ca tử vong do tiêu chảy, trẻ em dưới 2 tuổi chiếm đến 80%. Tiêu chảy kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng và làm suy giảm hệ miễn dịch, do đó lại càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, trở thành vòng xoáy bệnh lý.
1. Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp là trẻ đi ngoài khởi đầu cấp tính, phân lỏng hoặc tóe nước trên 3 lần trong ngày và kéo dài thường dưới 7 ngày.
Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tiêu chảy là:
– Trẻ suy dinh dưỡng và các bệnh đồng mắc: trẻ suy dinh dưỡng có hệ miễn dịch kém, do đó khả năng chống chịu với các tác nhân gây tiêu chảy kém.
– Cho trẻ bú chai: chai và bình sữa dễ bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn đường ruột, khó rửa sạch, trẻ bú không hết để lâu dẫn đến vi khuẩn phát triển.
– Trẻ không được bú mẹ trong vòng 6 tháng đầu, đặc biệt là không bú sữa non ngay sau đẻ do trong sữa mẹ có chứa hàm lượng cao kháng thể miễn dịch, giúp trẻ có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh trong những năm tháng đầu đời.
– Thức ăn bị ô nhiễm trong quá trình chế biến, bảo quản.
– Nước uống bị nhiễm bẩn do nguồn nước hoặc chưa được xử lý an toàn.
– Không rửa tay sau khi đi vệ sinh, không rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.
– Xử lý phân chưa tốt.
Các nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy:
– Độc tố vi khuẩn ( Độc tố do Salmonella, tụ cầu), nhiễm khuẩn (E.coli, Shigella)
– Nhiễm virus (hay gặp nhất là Rotavirus)
– Kí sinh trùng
– Thuốc hoặc hóa chất
– Ăn uống không hợp lý
2. Hậu quả của tiêu chảy cấp
Mất nước và mất điện giải là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong của tiêu chảy.
Tiêu chảy làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tổn thương niêm mạc ruột.
3. Dinh dưỡng cho trẻ khi bị tiêu chảy cấp
Quan trọng nhất trong điều trị dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy là bù nước, điện giải và có chế độ ăn khoa học để trẻ hồi phục.
a. Bù nước và điện giải cho trẻ
Tùy vào mức độ mất nước và điện giải mà trẻ có thể điều trị tại nhà hay đưa đến cơ sở y tế.
*Theo IMCI 2016 cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi, trẻ không có dấu hiệu mất nước có thể điều trị tại nhà. Cần đưa trẻ đi đến các cơ sở y tế khi có 2 trong các dấu hiệu mất nước sau:
– Có mất nước:
+Vật vã, kích thích
+ Mắt trũng
+ Uống háo hức, khát
+ Nếp véo da mất chậm
– Mất nước nặng:
+ Li bì hoặc khó đánh thức
+ Mắt trũng
+ Không uống được hoặc uống kém
+ Nếp véo da mất rất chậm
=> Trẻ vẫn cần được bú mẹ và uống liên tục từng thìa Oresol trên đường đi.
* Nếu trẻ chưa có dấu hiệu mất nước nào phía trên, điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường phòng mất nước:
– Lượng ORS cần uống:
+ <24 tháng: 50-100ml sau mỗi lần đi ngoài
+2- 10 tuổi: 100-200 ml sau mỗi lần đi ngoài
+ >10 tuổi: uống đến khi hết khát
– Cách cho uống:
+ Với trẻ <2 tuổi: cho uống từng thìa
+ Với trẻ lớn: cho uống từng ngụm một bằng cốc hoặc bát
+ Nếu trẻ bị nôn: dừng lại 5-10 phút sau lại tiếp tục cho uống
b. Chế độ ăn
* Mẹ có sữa:
– Trẻ dưới 6 tháng tuổi: vẫn cho trẻ bú mẹ như thường lệ, đồng thời cho trẻ uống thêm ORS hoặc các dung dịch tự pha như nước rau, nước cháo, nước quả,…
– Trẻ trên 6 tháng: uống ORS hoặc các dung dịch tự pha như trên xen kẽ bú mẹ và 1-2 bữa bột nấu với thịt, trứng, cá,… và rau nghiền, 1 thìa cà phê dầu và 1 bữa súp cà rốt.
– Trẻ 8-12 tháng: cho bú mẹ và uống như trên + 3 bữa bột+ 2 bữa súp cà rốt 150ml
– Trẻ 13-24 tháng: cho ăn như trên nhưng tăng lượng súp cà rốt 200ml/bữa
– Trẻ trên 24 tháng: Cho trẻ ăn sớm khẩu phần ăn hàng ngày 4-6 giờ sau bù nước và điện giải với lượng tăng dần.
* Mẹ không có sữa:
Cho ăn và uống như trẻ cùng lứa tuổi có sữa mẹ và sử dụng loại sữa với công thức mà trước đó trẻ vẫn ăn nhưng phải pha loãng ½ trong vòng 2 ngày.
c. Bổ sung Kẽm
Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, hồi phục tổn thương niêm mạc ruột, giảm thời gian bị tiêu chảy và tăng cảm giác ngon miệng cho trẻ sau tiêu chảy. Liều lượng Kẽm được WHO và UNICEF khuyến cáo là:
– Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Uống 10 mg/ngày và sử dụng trong vòng 10 – 14 ngày.
– Trẻ trên 6 tháng tuổi: Uống 20 mg/ngày và sử dụng trong vòng 10 – 14 ngày.
d. Men vi sinh
Trong một nghiên cứu của Abraham và cộng sự cho thấy sự kết hợp của bổ sung kẽm và lợi khuẩn có hiệu quả vượt trội hơn so với chỉ sử dụng men vi sinh trong việc giảm triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy ở trẻ em.
Men chứa Probiotics (lợi khuẩn) chứa một lượng đủ các chế phẩm vi khuẩn sống cụ thể không gây bệnh, như Lactobacillus, Bifidobacterium, Enterococcus và Bacillus giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây tiêu chảy, tăng cường miễn dịch, do được khuyến cáo để điều trị tiêu chảy.
WHO khuyến cáo cho liều lợi khuẩn tối thiểu là 10^8 CFU, tức là 100 triệu lợi khuẩn là số lượng lợi khuẩn “đủ”.
4. Lưu ý khi cho trẻ bị tiêu chảy ăn
- Khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, trẻ nhỏ ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn.
- Cho ăn đầy đủ 4 nhóm đạm, đường, mỡ, vitamin và khoáng. Không cho trẻ ăn kiêng dầu mỡ, thịt cá,…
- Nếu trẻ ăn ít hoặc ăn vào bị nôn thì cho ăn mỗi bữa ít hơn và tăng số bữa so với thực đơn.
- Nếu trẻ ăn sữa theo công thức mà bị tiêu chảy tăng lên thì thay bằng sữa đậu nành, sữa không có lactose hoặc cho ăn sữa chua làm từ sữa pha loãng giống như các bữa sữa nước của trẻ.
- Từ ngày thứ 5, nếu trẻ đã bớt tiêu chảy, chuyển dần về chế độ ăn bình thường.
- Sau khi trẻ khỏi tiêu chảy, để giúp trẻ hồi phục nhanah và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong 2 tuần liền
Tài liệu tham khảo: tổng hợp
Nguồn bài viết: Viện Nghiên Cứu và Phát Triển Dinh Dưỡng
Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong/
Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/