Ở phần 1, AN Care Pharma đã chỉ ra cần cân bằng giữa lợi ích và rủi ro của việc tắm nắng cho trẻ. Vậy tắm nắng cho trẻ đúng cách cần tuân theo các nguyên tắc nào, vào khoảng thời gian nào, bao lâu là hợp lý sẽ được giải đáp trong phần 2 dưới đây.
1. Những lưu ý khi cho trẻ tắm nắng
- Không tắm nắng cho trẻ dưới 1 tuổi: Tổ chức Y tế thế giới WHO và Tổ chức Khí tượng thế giới khuyến cáo trẻ dưới 1 tuổi không nên tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời vì lúc này hàng rào bảo vệ da của trẻ rất mỏng. Như vậy, trẻ dưới 1 tuổi nên bổ sung vitamin D qua ăn uống và thực phẩm chức năng.
- Không tắm nắng vào sáng sớm hoặc chiều muộn: vào thời gian này là thời điểm lượng tia UV-A nhiều và lượng UV-B thấp, dẫn đến không tổng hợp được vitamin D mà còn tăng nguy cơ ung thư và lão hoá.
- Không để ánh nắng chiếu vào vùng mặt, đầu, gáy: da mặt là vùng da mỏng nhất trên cơ thể, khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời dễ bị lão hoá. Đặc biệt ở vùng đầu và gáy có trung tâm điều hoà nhiệt, khi chiếu trực tiếp ánh sáng vào vùng này có thể làm rối loạn điều hoà thân nhiệt, dẫn đến tình trạng “say nắng”. Do đó khi tắm nắng cho trẻ chỉ cho phần tay, chân, bụng, lưng lộ ra.
- Thời gian tắm nắng từ 5-15 phút tuỳ theo mùa, khí hậu, vùng.
-
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ AAP khuyến nghị trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi phải được bảo vệ khỏi tia UV càng nhiều càng tốt và tốt nhất nên tránh xa ánh nắng mặt trời. Trẻ không nên tiếp xúc với tia UV quá mức, lý tưởng nhất là nên cung cấp vitamin D bổ sung (từ chế độ ăn uống hoặc thông qua các chế phẩm thuốc) cho tất cả trẻ em.
2. Tắm nắng như nào là đúng cách?
-
Tắm nắng khi nào để tổng hợp được vitamin D?
Như đã chỉ ra ở bài viết trước, chỉ tia UV-B mới kích thích tổng hợp được vitamin D và các tia UV tập trung xuất ban ngày. Đặc biệt từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, UVB sẽ đạt mức cực đại.

Shadow rule: Khi cái bóng của bạn dài hơn chiều cao của bạn, đó là lúc bạn không thể tổng hợp được Vitamin D
– Khi không có bóng nắng, tia sáng mặt trời vuông góc với mặt đất thì tạo được tối đa vitamin D.
– Khi bóng nắng dài gần bằng người, tia sáng mặt trời tạo với mặt đất 1 góc 60 độ, tạo được khoảng 50% vitamin D.
– Khi bóng nắng rất dài, tia sáng mặt trời tạo với mặt đất 1 góc 20 độ, lúc đó không tạo được vitamin D

Do đó, vào thời gian từ 10h trưa đến 3h chiều là khoảng thời gian tắm nắng để cơ thể tổng hợp được vitamin D dưới ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, rủi ro khi để da tiếp xúc với tia UV vào khoảng thời gian này cũng vô cùng lớn.
-
Tắm nắng bao nhiêu là đủ?
Ở những nước gần xích đạo như Viêt Nam, lượng tia UV-B cao đặc biệt là vào mùa hè nắng gắt, chưa có khuyến nghị cụ thể về lượng thời gian thích hợp và an toàn cho từng thời điểm.
Một số bác sĩ khuyến nghị rằng vào mùa hè, chỉ cần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 5-7 phút là có thể tổng hợp từ 8000-10000 IU vitamin D.
Những trẻ có làn da sẫm màu hơn cần thời gian phơi nắng kéo dài hơn một chút.
Về mặt cảm quan, có thể ngừng tắm nắng khi thấy da hồng, ấm lên.
3. Nhu cầu vitamin D của trẻ
Trước đây, nhu cầu vitamin D được cho là chỉ từ 200 – 400 IU/ngày cho cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng lượng này không đủ để đảm bảo hàm lượng vitamin D trong máu ở mức tối ưu, đặc biệt là cho phụ nữ mang thai, cho con bú và người cao tuổi.
Năm 2007, Việt Nam khuyến nghị nhu cầu vitamin D là 200 IU/ngày cho trẻ em và người trưởng thành, 400 IU/ngày cho người 51-60 tuổi và 600 IU/ngày cho người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu dịch tễ học gần đây cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin D ở người Việt Nam rất cao so với các nước xung quanh, ở mọi lứa tuổi và tình trạng sinh lý.
Do đó, nhu cầu vitamin D khuyến nghị cho người Việt Nam đã được cập nhật theo khuyến nghị của Viện Y học Hoa Kỳ năm 2011:
- Trẻ dưới 1 tuổi: 400 IU/ngày
- Trẻ từ 1 tuổi trở lên và người trưởng thành dưới 50 tuổi: 600 IU/ngày
- Người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: 800 IU/ngày
Nguy cơ ngộ độc vitamin D do ăn uống và tắm nắng tự nhiên là rất thấp. Tuy nhiên, khi sử dụng vitamin D bổ sung, cần lưu ý đến giới hạn tối đa để tránh ảnh hưởng sức khỏe:
- Trẻ dưới 6 tháng: 1000 IU/ngày
- Trẻ 6-12 tháng: 1500 IU/ngày
- Trẻ 1-2 tuổi: 2500 IU/ngày
- Trẻ 3-7 tuổi: 3000 IU/ngày
- Trẻ từ 8 tuổi trở lên: 4000 IU/ngày
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7001416/
- Viện Dinh dưỡng Quốc gia
- Viện Nghiên cứu và phát triển dinh dưỡng
Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong-vi/
Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharrma/