Từ lâu việc tắm nắng đã được khuyến khích như một biện pháp tự nhiên giúp bổ sung vitamin D nội sinh cho cơ thể. Tuy nhiên việc tắm nắng như thế nào thì an toàn, vào thời gian nào, bao lâu thì đủ lại chưa được phổ biến rộng rãi. Có ý kiến cho rằng phơi nắng khoảng 15–30 phút hai lần hoặc ba lần một tuần là đủ để sản xuất đủ lượng vitamin D. Tuy nhiên, có rất ít hoặc không có sự chứng thực cho thực tế này.
Một lượng nhỏ tia cực tím rất cần thiết cho tổng hợp vitamin D, nhưng việc tiếp xúc nhiều quá có thể gây ra những ảnh hưởng cấp tính và mãn tính đến sức khoẻ của da, mắt và hệ miễn dịch. Vì vậy cân bằng giữa lợi ích và rủi ro của việc tắm nắng cần được lưu ý.
1. Ánh sáng mặt trời có thể vừa có lợi vừa có hại
-
Lợi ích của ánh sáng mặt trời:
Từ lâu, tắm nắng đã được các thầy thuốc sử dụng như một liệu pháp điều trị các bệnh. 400 năm trước công nguyên, Hyppocrates- cha đẻ của ngành y học đã thường xuyên kê đơn tắm nắng và có một phòng tắm nắng cho các bệnh nhân.
Lợi ích sức khỏe đầu tiên được khoa học chứng minh của việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là phát hiện vào năm 1919 rằng ánh sáng mặt trời có thể chữa khỏi bệnh còi xương.
Mối liên quan giữa phơi nắng và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư ở Bắc Mỹ đã được xác định vào những năm 1960. Sau đó sự phát hiện ra vitamin D và cơ chế tổng hợp của vitamin D dưới ánh sáng mặt trời đã mở ra sự quan tâm về việc tắm nắng, đặc biệt là ở trẻ em. Việc áp dụng phơi nắng đã như một chiến lược bền vững với chi phí thấp bổ sung vitamin D nội sinh ở các nước nhiệt đới.
Vitamin D có các tác dụng:
-Hấp thu canxi và photpho từ ruột vào máu, cốt hoá xương
– Vận chuyển canxi vào phôi thai, tăng cường canxi vào sữa
– Cần thiết cho miễn dịch, đặc biệt là miễn dịch hệ hô hấp
– Biệt hoá tế bào, phát triển tế bào da, lông, tóc móng
– Tham gia vào hoạt động của cơ
– Kiểm soát, tổng hợp Insulin- hormone điều hoà đường máu
– Phòng ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư, các chứng rối loạn tâm thần.
-
Tác hại của ánh sáng mặt trời:
Trong hầu hết những năm gần đây, thay vì theo đuổi những lợi ích khác của việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nghiên cứu khoa học lại tập trung vào những nguy cơ sức khỏe khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là khối u ác tính và các loại ung thư da khác.
Trong ánh sáng mặt trời chứa bức xạ tia cực tím (UV) được phân thành ba loại khác nhau dựa trên bước sóng của nó.
-
UV-A (bước sóng 320–400 nm) có nhiều nhất trong tất cả các loại bức xạ UV, nhưng nó gây tổn thương da tương đối ít hơn. Tia UV-A phá huỷ vitamin D và gây đột biến tế bào. Vì vậy có khả năng gây ung thư.
-
UV-B (bước sóng 290–320 nm) cũng được tìm thấy trong quang phổ mặt trời của trái đất. Đây là tia duy nhất có khả năng kích thích sản sinh vitamin D nội sinh. Tuy nhiên tia UV-B có khả năng gây ban đỏ và có khả năng gây ung thư. Mức độ tiếp xúc hàng ngày của cơ thể với tia UV-B ít hơn nhiều so với tia UV-A.
-
Tia UV-C (bước sóng 200–290 nm) là nguy hiểm nhất, nhưng may mắn thay, tia UV-C không có trong quang phổ mặt trời của trái đất do được tầng ozone lọc hiệu quả.
Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời với tần suất và thời gian không hợp lý, tia UV-A và UV-B có khả năng:
– Ức chế miễn dịch
– Tăng nguy cơ phát triển khối u ác tính, ung thư da
– Lão hoá
– Ảnh hưởng đến mắt: đục thủy tinh thể, viêm kết mạc, thoái hóa điểm vàng và võng mạc
Kem chống nắng hóa học được phát triển vào năm 1928. Việc tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có chủ ý và sử dụng kem chống nắng hóa học vẫn là lời khuyên tiêu chuẩn của các bác sĩ và cơ quan y tế công cộng nhằm giảm nguy cơ u ác tính và các dạng ung thư da khác.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin D từ mặt trời
2.1. Địa lý và khí hậu
– Vào mùa đông, số giờ chiếu nắng giảm và các hoạt động ngoài trời giảm dẫn đến làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D.
– Nguy cơ thiếu Vitamin D cao hơn ở các khu vực đô thị do:
-
- Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời do mật độ dân cư cao, nhiều nhà cao tầng.
- Thói quen sinh hoạt ít ra ngoài, dành nhiều thời gian trong nhà.
2.2. Chủng tộc và sắc tố da
Hắc tố melanin làm giảm tổng hợp Vitamin D, vì vậy người da sậm màu hơn có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D cao hơn ở người tóc nâu, da trắng.
2.3. Giới tính và tuổi tác
Quá trình lão hóa ảnh hưởng đến khả năng tổng hợp vitamin D của cơ thể, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn ở người cao tuổi.
Ngoài ra, phụ nữ có nguy cơ thiếu vitamin D cao hơn nam giới do có xu hướng dành ít thời gian ra ngoài trời hơn.
Do đó, các khuyến cáo về tắm nắng cũng khác nhau theo từng khu vực và từng đối tượng. Ở phần 2, AN Care Pharma sẽ cập nhật những khuyến cáo về thời gian, cách thức tắm nắng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để hạn chế những rủi ro và tác hại do ánh sáng mặt trời gây ra.
Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong/
Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/