Chiều cao của trẻ em là một thước đo cho thấy giá trị của việc đầu tư vào sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ, bất kể nền văn hóa hay mức độ phát triển. Chiều cao là do gen di truyền nhưng bị ảnh hưởng bởi lối sống, điều kiện môi trường, dinh dưỡng và bất bình đẳng xã hội. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây về những yếu tố quyết định chiều cao của trẻ.
1. Di truyền:
Chiều cao của con người là một đặc điểm có tính di truyền cao. Trẻ em thường có chiều cao tương tự như cha mẹ, điều nay cho thấy yếu tố di truyền đang hoạt động. Những đặc điểm màu sắc và hình dáng đậu được kiểm soát bởi 1 gen duy nhất trong nghiên cứu kinh điển của Menden. Khác với đậu, trên bộ gen người có khoảng 50 vị trí được xác định là có liên quan đến chiều cao. Có thể nói, chiều cao không chỉ đơn thuần là cao hoặc thấp mà là một đặc điểm liên tục, có nhiều mức độ khác nhau và được quyết định bởi mô hình đa gen tác động. Khoảng 60 đến 80% sự khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân được xác định bởi các yếu tố di truyền, trong khi 20 đến 40% có thể là do ảnh hưởng của môi trường, chủ yếu là dinh dưỡng.
2. Yếu tố môi trường:
Bên cạnh các yếu tố di truyền, các yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng đến chiều cao. Trẻ nhỏ, đặc biệt trong 1000 ngày đầu đời, rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường, những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao suốt cuộc đời. Khi gặp các điều kiện môi trường bất lợi, sự phát triển thể chất của trẻ suy giảm và thậm chí chiều cao khi lớn cũng bị ảnh hưởng. Chiều cao của một người không chỉ phụ thuộc vào gen mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường sống. Dinh dưỡng, bệnh tật, và điều kiện kinh tế xã hội đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, đặc biệt là trong 1000 ngày đầu đời.
2.1 Dinh dưỡng
Trong giai đoạn phát triển, dinh dưỡng đóng vai trò quyết định đến chiều cao của trẻ. Việc cung cấp đủ protein, canxi và vitamin D thông qua chế độ ăn cân bằng sẽ giúp xương của trẻ phát triển khỏe mạnh và đạt được chiều cao tối ưu.
– Chiều cao bị ảnh hưởng nhiều bởi chất lượng và số lượng Protein nạp vào. Trong nghiên cứu của P. Grasgruber/2016 cho thấy 3 nhóm tiêu thụ thực phẩm:
+ Châu Á, và các quốc gia nhiệt đới: sử dụng chủ yếu là gạo, lượng protein và năng lượng rất thấp. Đi kèm với vóc dáng nhỏ khoảng 162-168cm
+ Các quốc gia Hồi giáo Bắc Phi và Cận Đông: sử dụng lúa mỳ và protein thực vật. Lượng protein tổng thể và tổng năng lượng tiêu thụ cũng tương đối cao và tương đương với châu Âu, nhưng chiều cao trung bình của nam thanh niên không vượt quá 174cm.
+ Bắc/Trung Âu: Protein từ sữa là đặc trưng bởi chiều cao cao nhất thế giới >180cm.
Kết quả trên cho thấy nhu cầu protein của trẻ em, đặc biệt là các acid amin thiết yếu có thể cao hơn so với khuyến nghị hiện hành, điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Elango và cộng sự (2011).
Không chỉ cần protein, để có một bộ xương chắc khỏe và đạt được chiều cao tối đa, cơ thể chúng ta cần nhiều loại chất dinh dưỡng khác nhau:
Canxi và vitamin D: Hai chất này kết hợp với nhau để giúp xương trở nên cứng cáp và chắc chắn. Canxi là thành phần chính cấu tạo nên xương, còn vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi một cách hiệu quả.
Vitamin C: Chất này rất quan trọng cho việc sản xuất collagen – một loại protein giúp các mô trong cơ thể kết nối với nhau. Collagen cũng là một thành phần quan trọng của xương, giúp xương đàn hồi và chắc khỏe.
Kẽm: Kẽm tham gia vào rất nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể, bao gồm việc xây dựng các tế bào mới. Giúp cơ thể sản xuất protein và DNA, hai thành phần thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển.
Các mẹ có thể tham khảo tại bài viết: Thực phẩm giàu kẽm
2.2 Hoạt động thể chất
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động tích cực của hoạt động thể chất lên các dấu hiệu trung gian của sức khỏe xương, chẳng hạn như hàm lượng và mật độ khoáng chất trong xương. Những trẻ em và thanh thiếu niên thường xuyên vận động có xương chắc khỏe hơn so với những bạn ít vận động, thể hiện qua hàm lượng và mật độ khoáng chất trong xương cao hơn, ngay cả khi chúng ta so sánh những người có chiều cao và khối lượng cơ tương đương.
Cho đến hiện tại chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được hoạt động thể chất làm tăng cường chiều cao, nhưng nó sẽ hỗ trợ phát triển chiều cao qua việc củng cố sức bền tim mạch, tăng cường các chất dẫn truyền thần kinh (monoamine giải phóng endorphine), hạn chế sản xuất hormone stress (cortisol), tăng cường cơ bắp và mật độ xương.
Nên lựa chọn các bài tập rèn luyện sức mạnh, sức bền góp phần cải thiện tiềm năng chiều cao. Ngoài ra các bài tập như aerobic, chạy, bơi lội cải thiện thể lực và kích thích giải phóng hormone tăng trưởng.
3. Yếu tố nội tiết
3.1 Hormone tăng trưởng (HGH)
Hormone tăng trưởng được tuyến yên tiết ra và kích thích sự tăng trưởng và sinh sản tế bào trong cơ thể. Hormone tăng trưởng của con người kích hoạt sự phát triển ở hầu hết mọi mô và cơ quan trong cơ thể.
Tuy nhiên, nó được biết đến nhiều nhất vì tác dụng thúc đẩy tăng trưởng của sụn và xương, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì. Các tế bào sụn và các tế bào tạo xương nhận được tín hiệu từ HGH để tăng sự sao chép và do đó cho phép tăng trưởng về kích thước. Trong thời kỳ dậy thì, HGH đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giúp xương và sụn phát triển, khiến chúng ta cao lớn hơn. Khi các tấm sụn ở đầu xương đóng lại, HGH không còn tác dụng làm chúng ta cao lên nữa. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh ở người trưởng thành.
Tóm lại, hormone tăng trưởng là một chất rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể con người, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ em và dậy thì.
3.2 Hormone tuyến giáp
Một loại hormone khác ảnh hưởng đến chiều cao là hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm quá trình trao đổi chất và tăng trưởng. Quá ít hoặc quá nhiều hormone tuyến giáp có thể dẫn đến bất thường về tăng trưởng và ảnh hưởng đến chiều cao.
3.3 Hormone sinh dục
Hormone sinh dục, chẳng hạn như estrogen và testosterone, cũng đóng vai trò trong chiều cao. Estrogen kích thích các đĩa tăng trưởng ở xương dài, dẫn đến tăng chiều cao trong tuổi dậy thì. Mặt khác, testosterone thúc đẩy sự phát triển của cơ và xương, có thể ảnh hưởng đến chiều cao tổng thể.
Nhìn chung, ảnh hưởng của hormone đến chiều cao rất phức tạp và đa diện. Hormone tương tác với yếu tố di truyền là gene, đột biến và các yếu tố di truyền để xác định chiều cao của một cá nhân. Hiểu được vai trò của hormone đối với chiều cao có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị về di truyền và sinh học về sự phát triển của con người.
Tài liệu tham khảo:
– Genetics of human height/Brian P. McEvoy, Peter M. Visscher/2009
– How much of human height is genetic and how much is due to nutrition/Chao-Qiang Lai/2006
– Major correlates of male height: A study of 105 countries/P. Grasgruber, T. Kalina/ 2016
– Committee on Physical Activity and Physical Education in the School Environment; Food and Nutrition Board; Institute of Medicine; Kohl HW III, Cook HD, editors.Washington (DC): National Academies Press (US); 2013 Oct 30.
– Hiệp hội Nội tiết học. Hormone tăng trưởng ( https://www.yourhormones.info/hormones/growth-hormone/ ) 21/6/2022.
Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong-vi/
Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma