I. Tổng quan
1. Viêm loét đại tràng là gì
– Viêm loét đại tràng (Ulcerative colitis- UC) thuộc nhóm bệnh viêm ruột ( imflammatory bowel disease- IBD). Viêm loét đại tràng là bệnh mạn tính, thường tái phát với các giai đoạn trầm trọng và thuyên giảm xen kẽ, tổn thương đặc trưng là viêm niêm mạc ở đại tràng và trực tràng.
Viêm loét đại tràng có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh lớn ở các nước phương Tây và tỷ lệ mắc bệnh đang gia tăng ở các nước đang phát triển.
Sinh lý bệnh đa yếu tố của viêm loét đại tràng bao gồm di truyền, khiếm khuyết hàng rào biểu mô, điều hòa phản ứng miễn dịch bị rối loạn, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và các yếu tố môi trường. Viêm loét đại tràng mạn tính làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng.
2. Triệu chứng của viêm loét đại tràng:
+ Triệu chứng phổ biến nhất là phân có máu.
+ Tiêu chảy có máu nhiều lần trong ngày, mất nước.
+ Đau thắt bụng dưới, mót đại tiện.
+ Có thể gặp thiếu máu, mệt mỏi, giảm albumin máu, sút cân.
+ Đa số là viêm loét đại tràng sigma và trực tràng nhưng cũng có thể tổn thương ở vị trí cao hơn.
2. Một số vấn đề về dinh dưỡng ở người viêm loét đại tràng
Thiếu máu do mất máu và thiếu sắt
Thiếu máu ở bệnh nhân viêm loét đại tràng có thể do giảm hấp thu sắt bởi viêm mãn tính ở đường tiêu hóa hoặc cắt bỏ ruột, tình trạng suy dinh dưỡng và mất máu qua phân.
Thiếu sắt xảy ra trung bình ở 13%–90% bệnh nhân mắc viêm đường ruột. Thiếu sắt là một trong những biến chứng ngoài đường tiêu hóa phổ biến nhất của bệnh và là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu ở bệnh nhân viêm ruột.
Sắt có thể có tác dụng đặc biệt mạnh mẽ đối với sức khỏe của những người mắc bệnh viêm mãn tính. Sự thiếu hụt của sắt góp phần vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Thiếu vitamin D và Canxi
Thiếu vitamin D được tìm thấy ở 10–75% bệnh nhân mắc viêm ruột. Sự thiếu hụt này có thể được tìm thấy ở những người bị viêm loét đại tràng nhiều gấp đôi so với ở những người khỏe mạnh.
Vitamin D hỗ trợ hấp thu Canxi, Phospho ở ruột và tái hấp thu ở thận, do đó thiếu vitamin D thường dẫn đến Canxi không được hấp thu, cơ thể phải huy động Canxi ở xương vào máu khiến rối loạn quá trình vôi hóa ở xương gây loãng xương.
Những người mắc viêm ruột có nguy cơ gãy xương cao hơn tới 40% so với những người khỏe mạnh. Nguy cơ loãng xương cao ở những bệnh nhân mắc viêm ruột và đặc biệt tăng ở những bệnh nhân điều trị bằng corticosteroid (thuốc chống viêm).
Ngoài ra, lượng vitamin D không đủ trong cơ thể có thể tương quan với việc tăng tính thấm của màng ruột và suy giảm chức năng miễn dịch, điều này không chỉ góp phần vào sự phát triển của viêm ruột mà còn làm tăng nguy cơ tái phát.
Nguyên nhân thiếu vitamin D có thể bao gồm ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, khẩu phần ăn ít vitamin D, suy giảm hấp thu do viêm xảy ra ở đường tiêu hóa hoặc cắt bỏ ruột, tăng hấp thu bởi các tế bào bị viêm, suy giảm chuyển hóa ở thận và tăng dị hóa, bài tiết.
Thiếu vitamin B9
Sự thiếu hụt axit folic phổ biến hơn đáng kể ở bệnh nhân viêm loét đại tràng so với người khỏe mạnh. Sự thiếu hụt vitamin B9 này có thể do ăn uống không đủ lượng, giảm hấp thu do viêm xảy ra trong đường tiêu hóa, tăng sử dụng bởi các tế bào bị viêm và tương tác thuốc, đặc biệt là methotrexate hoặc sulfalazine.
Sulfalazine ảnh hưởng đến tình trạng thiếu vitamin B9 bằng cách gây ra hội chứng kém hấp thu. Ngược lại, methotrexate làm giảm hoạt động của dihydrofolate reductase, men này cần thiết cho quá trình chuyển hóa axit dihydrofolic thành axit tetrahydrofolic.
Một biến chứng nguy hiểm của viêm đường ruột là tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Một phân tích tổng hợp 10 nghiên cứu của Burr và cộng sự đã chứng minh rằng việc bổ sung axit folic có thể có tác dụng phòng ngừa sự phát triển của ung thư đại trực tràng ở những bệnh nhân mắc viêm đường ruột.
3. Chế độ dinh dưỡng cho người viêm loét đại tràng
Do đặc thù của viêm loét đại tràng, bên cạnh điều trị bằng thuốc giảm viêm, kháng sinh và phẫu thuật, việc áp dụng chế độ ăn uống và dinh dưỡng phù hợp là một yếu tố cực kỳ quan trọng của liệu pháp. Tuy nhiên, yếu tố này vẫn bị đánh giá thấp và thường bị bỏ qua trong thực hành y khoa.
Mặc dù thiếu lời khuyên cụ thể về chế độ ăn uống trong bệnh viêm ruột nhưng hơn 70% người mắc bệnh nhận ra rằng dinh dưỡng không đầy đủ ảnh hưởng đáng kể đến tiến triển của bệnh và làm tăng tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Không có một chế độ ăn cụ thể cho bệnh nhân mắc viêm loét đại tràng và dựa trên sự thích nghi của bệnh nhân để lựa chọn thực phẩm thay đổi. Nhưng nhìn chung, chế độ ăn khi các triệu chứng bùng phát dựa trên những nguyên tắc:
– Chia nhỏ bữa, ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên hơn trong ngày, thay vì 3 bữa chính, có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.
– Tránh dùng những thức ăn cứng, nhiều sợi xơ (chất xơ không hòa tan) để làm giảm số lượng và tần suất phân thải ra cũng như không ảnh hưởng đến vết loét. Đó là các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ cả vỏ, rau sống hoặc chưa luộc kĩ,…
– Chống tiêu chảy bằng dùng thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như gạo lứt, bột cám, bột ngô, rau nhừ,… Ngoài ra, chất xơ hòa tan còn giúp phát triển lợi khuẩn đường ruột, cân bằng hệ vi sinh.
– Sử dụng men vi sinh có thể có lợi trong điều trị viêm loét đại tràng trong giai đoạn thuyên giảm của bệnh cũng như trong giai đoạn cấp tính của viêm loét đại tràng. Probiotic có thể ngăn ngừa tái phát các đợt bùng phát cấp tính và trong các đợt bùng phát viêm loét đại tràng, chúng giúp làm dịu chứng viêm.
– Chống mất nước bằng cách uống dung dịch Oresol hoặc nước ép hoa quả, rau củ.
– Tránh các thực phẩm sinh hơi như trứng, sữa, nước ngọt có ga,… Có thể dùng sữa đỗ tương hoặc sữa chua đậu tương thay thế.
– Tránh caffein và các thức uống chứa cồn vì kích thích thần kinh, tăng căng thẳng và mức độ viêm loét.
– Đảm bảo chế độ ăn cung cấp đầy đủ năng lượng, vitamin và khoáng để phòng tránh suy dinh dưỡng, thiếu máu
+ Năng lượng tối thiểu 30 kcal/kg/ngày
+ Protein khẩu phần tối thiểu 1-1,2 g/kcal/ngày.
Tài liệu tham khảo:
[1] M. Radziszewska, J. Smarkusz-Zarzecka, L. Ostrowska, và D. Pogodziński, “Nutrition and Supplementation in Ulcerative Colitis”, Nutrients, vol 14, số p.h 12, tr 2469, tháng 6 2022, doi: 10.3390/nu14122469.
[2] J.-Y. Nie và Q. Zhao, “Beverage consumption and risk of ulcerative colitis”, Medicine (Baltimore), vol 96, số p.h 49, tr e9070, tháng 12 2017, doi: 10.1097/MD.0000000000009070.
[3] F. Wang và c.s., “Carbohydrate and protein intake and risk of ulcerative colitis: Systematic review and dose-response meta-analysis of epidemiological studies”, Clin Nutr, vol 36, số p.h 5, tr 1259–1265, tháng 10 2017, doi: 10.1016/j.clnu.2016.10.009.
[4] “Ulcerative colitis – Living with”, nhs.uk, 3 Tháng Mười 2018. https://www.nhs.uk/conditions/ulcerative-colitis/living-with/ (truy cập 16 Tháng Chạp 2022).
[5] Lê Thị Hương, Dinh dưỡng lâm sàng- tiết chế. Đại học Y Hà Nội: Nhà xuất bản Y học, 2016.
Nguồn bài viết: Viện Nghiên Cứu và Phát Triển Dinh Dưỡng (https://inrd.vn/)
Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong/
Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/