Cảm cúm và cảm lạnh là những bệnh phổ biến khi thời tiết lạnh, nhiệt độ và độ ẩm giảm sâu.Cả 2 bệnh này đều do virus gây ra, triệu chứng của cảm cúm và cảm lạnh khá giống nhau khiến không ít người bị nhầm lẫn và xem thường, bệnh ngày càng tiến triển làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe.
Đầu tiên, cùng tìm hiểu cảm cúm và cảm lạnh là gì.
1. Cảm lạnh và cảm cúm là gì?
- Cảm lạnh là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên (mũi, họng) do virus gây ra, thường gặp là Rhinovirus (chiếm gần 40% các trường hợp cảm lạnh ở trẻ) và Enterovirus. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng thường gặp nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh cảm lạnh thông thường có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng thường gặp nhất là vào mùa đông và mùa xuân.
- Bệnh cảm cúm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra, có 3 type virus cúm gây bệnh ở người (A, B, C), tùy loại mà có dễ gây thành dịch hay không, thường xảy ra vào mùa mưa nhưng vẫn có thể phát tán vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
2. Cảm lạnh khác cảm cúm như nào?
Cúm và cảm lạnh đều là bệnh đường hô hấp nhưng do các loại virus khác nhau gây ra. Bởi vì hai bệnh này có các triệu chứng tương tự nhau, rất khó để phân biệt giữa chúng nếu chỉ dựa trên các triệu chứng.

- Nhưng nếu cảm lạnh có xu hướng phát triển dần dần, thì các triệu chứng của cảm cúm thường nặng hơn, đến đột ngột, không có dấu hiệu báo trước.
- Nhìn chung, bệnh cúm nặng hơn cảm lạnh thông thường nhiều và các triệu chứng cũng nghiêm trọng hơn. Cảm lạnh thường nhẹ hơn cảm cúm.
Những người bị cảm lạnh rất dễ bị sổ mũi hoặc ngạt mũi. Cảm lạnh thường không đẫn dến các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nhập viện. Cảm cúm ngược lại, có thể dẫn đến các biến chứng liên quan rất nghiêm trọng.
- Thời gian nhiễm bệnh cảm lạnh và cúm tùy thuộc vào loại virus gây bệnh và khả năng miễn dịch của cơ thể.Thông thường cảm lạnh không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh và sẽ tự khỏi trong vòng 4 – 10 ngày. Nhưng cũng có trường hợp ho kéo dài sang tuần thứ hai.
Trong khi đó, cảm cúm thường kéo dài hơn, từ một tuần đến vài tuần. Đôi khi tình trạng mệt mỏi, ăn không ngon và ho khan vẫn có thể kéo dài 6 đến 8 tuần sau đó.

3. Lời khuyên
Cảm lạnh và cúm đều là bệnh về đường hô hấp do virus gây ra, nên cách phòng ngừa sẽ giống nhau. Cách tốt nhất để phòng ngừa là tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và tập thể dục thường xuyên.
Để ngăn ngừa cảm cúm, tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên được khuyến nghị tiêm vaccine phòng cúm hằng năm. Phụ nữ có dự định mang thai cũng nên tiêm vaccine. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm. Cảm lạnh không có vaccine, việc phòng ngừa tập trung vào giữ vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc với người bệnh. Tránh đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Tóm lại: Đa phần các trường hợp bị cảm lạnh và cảm cúm không nguy hiểm. Nhưng một vài trường hợp có thể bị các biến chứng về đường hô hấp, thường gặp hơn là ở cảm cúm. Một số biến chứng liên quan đến nhiễm trùng thứ phát hoặc nhiễm khuẩn như viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang hoặc viêm tai. Cảm lạnh và cúm cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh mạn tính đang mắc phải, ví dụ như hen suyễn.
Vì vậy, người bệnh cần đi khám ngay khi có các triệu chứng:
- Khó thở hoặc thở gấp;
- Môi đổi màu tím hoặc xanh;
- Đau tai; Đau dai dẳng hoặc có áp lực ở ngực hoặc bụng;
- Lú lẫn, chóng mặt, bất tỉnh;
- Co giật;
- Đau cơ nghiêm trọng;
- Suy nhược cơ thể nghiêm trọng;
- Sốt hoặc ho đã gần khỏi nhưng bị trở lại và trầm trọng hơn, có thể ho ra máu;
- Nôn mửa dữ dội…
Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong/
Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/