Vitamin D là một vitamin tan trong dầu, được biết nhiều nhất với vai trò kích thích hấp thụ calci và tăng cường quá trình cốt hóa xương, đảm bảo cho xương và răng chắc khỏe.
Thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh phổ biến trên toàn thế giới, góp phần gây ra chứng còi xương dinh dưỡng và nhuyễn xương có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh và phát triển sau này. Lượng vitamin D trong sữa mẹ thấp và trẻ bú mẹ hoàn toàn có nguy cơ bị thiếu hoặc thiếu vitamin D. Do đó trẻ sơ sinh được khuyến cáo bổ sung vitamin D.
1. Vai trò của vitamin D cho trẻ sơ sinh
Vitamin D có 2 dạng vitamin D chính: vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Vitamin D2 có nguồn gốc tổng hợp, thường có nhiều trong sữa và các loại thực phẩm khác. Vitamin D3 được tổng hợp dưới da nhờ tia cực tím có trong ánh sang mặt trời (UVB). Thời gian tia UVB xuyên qua được tầng ozone nhiều nhất trong ngày là từ 9h sáng đến 4 giờ chiều. UVB chuyển tiền vitamin D (7-dehydrocholesterol) thành vitamin D3 (cholecalciferol). Chất hoạt tính của vitamin D ở các mô là 1,25-dihydroxyvitamin D (25-OH D).
Vitamin D là một vi chất dinh dưỡng quan trọng tham gia vào hệ thống miễn dịch, hệ xương và chức năng thần kinh cơ. Nó cũng đóng một vai trò điều tiết trong một số quá trình viêm. Một số nghiên cứu lâm sàng đã báo cáo rằng bổ sung vitamin D có thể làm giảm nhiễm trùng đường hô hấp và nồng độ vitamin D có liên quan đến các bệnh tật ở trẻ sơ sinh như hội chứng suy hô hấp và loạn sản phế quản phổi. Nồng độ vitamin D trong máu cuống rốn thấp làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng đường hô hấp trong năm đầu đời.
Ngoài các khía cạnh miễn dịch, vitamin D cần thiết cho quá trình chuyển hóa canxi bình thường và sự phát triển hệ xương, cả hai quá trình quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Yếu tố mạnh nhất quyết định nồng độ vitamin D ở thai nhi và trẻ sơ sinh là nồng độ vitamin D của mẹ trong thai kỳ. Mức vitamin D của mẹ thấp dự báo tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ sơ sinh khi sinh. Tuy nhiên, nồng độ vitamin D bình thường của người mẹ cũng được tìm thấy ở trẻ bị thiếu vitamin D khi sinh.
2. Bổ sung vitamin D cho trẻ sinh non
Trẻ đẻ non là những trẻ ra đời khi tuổi thai chưa đầy 37 tuần, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng bất kể trọng lượng trẻ sinh ra là bao nhiêu (thường cân nặng dưới 2.500g). Quá trình hình thành và khoáng hóa xương chủ yếu xảy ra ở giai đoạn sau của thai kỳ, do vậy quá trình này có thể bị ảnh hưởng bởi cả sinh non và việc mẹ bổ sung không cung cấp đủ chất trong thai kì.
Mức độ dinh dưỡng thấp ở trẻ sinh non có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh xương chuyển hóa, như chứng loãng xương khi sinh non. Điều này có thể là do lượng cung cấp hoặc hấp thụ không đủ calci, phospho và lượng vitamin D thấp. Nồng độ 25 (OH) D huyết thanh là giá trị thường được sử dụng để đánh giá tình trạng vitamin D, dưới 20 ng/mL được coi là thiếu và hay gặp ở trẻ sinh non.
Để đối phó với tình trạng thiếu vitamin D phổ biến ở trẻ em, các cơ quan chuyên môn đã khuyến nghị lượng vitamin D là 400 IU / ngày cho tất cả trẻ sơ sinh. Tổng lượng vitamin D tiêu chuẩn được hấp thu 400 IU/ngày sẽ đạt được mức 25(OH) D trên mức 20 ng/mL và hầu ở hầu hết trẻ có mức trung bình trên 30 ng/mL.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung liều 400 IU/ngày cho trẻ sinh non không tạo ra sự khác biệt về tình trạng thiếu vitamin D và cần xem xét bổ sung liều cao hơn. Amnon Zung và cộng sự tăng cường bổ sung 600 IU/ngày cho trẻ sinh non có cân nặng <2 kg cho thấy có hiệu quả trong việc tăng tổng lượng vitamin D hấp thụ hàng ngày và nồng độ 25 (OH) D trong huyết thanh.
Hiệp hội Nhi khoa Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng Châu Âu khuyến nghị ở mức cao hơn 800–1000 IU/ngày cho trẻ sinh non. Liều khuyến nghị này cần có thêm thông tin để đánh giá nguy cơ gây độc ở một số trẻ sơ sinh khi dùng vitamin D liều cao.
3. Bổ sung vitamin D cho trẻ đủ tháng
Nhu cầu về vitamin D ở trẻ đủ tháng đã được nghiên cứu rộng rãi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng liều khuyến cáo chung trong gần 100 năm là 400 IU mỗi ngày đáp ứng nhu cầu của gần như tất cả trẻ đủ tháng và vẫn là khuyến cáo cho trẻ sơ sinh của Viện Y học (IOM) và Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kì (AAP). Một nghiên cứu gần đây từ Canada khẳng định không có ảnh hưởng đến quá trình khoáng hóa xương ở trẻ 3 tuổi khi dùng liều >400 IU / ngày đối với trẻ bú mẹ, mặc dù nồng độ 25 (OH) D cao hơn đã đạt được khi dùng liều cao hơn.
Cách bổ sung vitamin D cho trẻ cụ thể như thế nào? Mời cha mẹ theo dõi tại phần 2 bài viết.
Tài liệu tham khảo:
[1] S. A. Abrams, “Vitamin D in Preterm and Full-Term Infants”, ANM, vol 76, số p.h 2, tr 6–14, 2020, doi: 10.1159/000508421. [2] J.-H. Jung, E.-A. Kim, S.-Y. Lee, J.-E. Moon, E.-J. Lee, và S.-H. Park, “Vitamin D Status and Factors Associated with Vitamin D Deficiency during the First Year of Life in Preterm Infants”, Nutrients, vol 13, số p.h 6, tr 2019, tháng 6 2021, doi: 10.3390/nu13062019. [3] M. L. Tan, S. A. Abrams, và D. A. Osborn, “Vitamin D supplementation for term breastfed infants to prevent vitamin D deficiency and improve bone health”, Cochrane Database Syst Rev, vol 2020, số p.h 12, tr CD013046, tháng 12 2020, doi: 10.1002/14651858.CD013046.pub2. [4] C. Agostoni và c.s., “Enteral nutrient supply for preterm infants: commentary from the European Society of Paediatric Gastroenterology, Hepatology and Nutrition Committee on Nutrition”, J Pediatr Gastroenterol Nutr, vol 50, số p.h 1, tr 85–91, tháng 1 2010, doi: 10.1097/MPG.0b013e3181adaee0. [5] A. Zung, C. Topf-Olivestone, E. S. Shinwell, L. Hofi, A. Juster-Reicher, và O. Flidel-Rimon, “Reassessing vitamin D supplementation in preterm infants: a prospective study and review of the literature”, J Pediatr Endocrinol Metab, vol 33, số p.h 10, tr 1273–1281, tháng 8 2020, doi: 10.1515/jpem-2020-0370.Nguồn bài viết: Viện Nghiên Cứu và Phát Triển Dinh Dưỡng
Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong/
Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/