Những điều cần biết về vitamin B1

Vitamin B1 hay còn gọi là thiamin, là vitamin tan trong nước, dễ bị biến tính dưới tác động của ánh sáng, không khí và nhiệt độ. Ngược lại với các vitamin tan trong dầu, vitamin tan trong nước không tích lũy trong cơ thể nên các biểu hiện thiếu hụt thường diễn ra sớm. Thiếu hụt thiamine ngày càng được công nhận là một vấn đề quan trọng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình do chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và mức sống.

1. Vai trò chung của vitamin B1

Vai trò quan trọng nhất của vitamin B1 là tham gia chuyển hóa glucid và năng lượng. Vitamin B1 là tiền chất của thiamin diphosphate- một coenzyme cho hơn 20 loại enzyme đặc trưng tham gia vào các quá trình chuyển hóa năng lượng sinh học tế bào để tổng hợp ATP. Hơn nữa, các enzym này tham gia vào quá trình sinh tổng hợp pentose (cần thiết cho quá trình tổng hợp nucleotide), axit amin và các hợp chất hữu cơ khác của quá trình trao đổi chất tế bào.

Vitamin B1 còn có vai trò tham gia dẫn truyền xung động thần kinh: điều hòa quá trình dẫn truyền các xung thần kinh, tổng hợp chất dẫn truyền kích thích hoạt động trí óc và trí nhớ.

Triệu chứng khi thiếu vitamin B1
Triệu chứng khi thiếu vitamin B1

Triệu chứng khi thiếu vitamin B1 thường gặp là chán ăn, mệt mỏi, hốt hoảng, táo bón, rối loạn thần kinh như viêm đa dây thần kinh, co giật, nhiễm toan lactic hoặc liệt cơ,… Sự thiếu hụt thiamine nặng hơn có liên quan đến bệnh Beri-beri, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, Hội chứng Wernicke-Korsakoff và các bệnh lý khác của hệ thần kinh.

2. Các nguồn vitamin B1

Cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin B1. Để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất, cần cung cấp cho cơ thể một lượng vừa đủ từ chế độ ăn.

Nhu cầu về vitamin B1 thay đổi và phụ thuộc vào về trọng lượng cơ thể, tuổi, giới tính, loại hình công việc và trạng thái sinh lý của cơ thể do thiamin tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng.

Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, liều khuyến cáo của thiamine thay đổi trong khoảng 0,5-1,3 mg/ ngày. Trẻ sơ sinh có nhu cầu thiamine thấp nhất, trong khi phụ nữ cho con bú có lượng thiamine cao nhất. Liều khuyến cáo hàng ngày (RDA) cho nam giới là 1,2-1,4 mg và cho phụ nữ là 1,0-1,1 mg.

Ngoài nguồn thiamine chính là thực phẩm, thiamin có thể được tổng hợp bởi hệ vi sinh đường ruột. Các thành phần thực phẩm dồi dào nhất trong thiamine là bánh mì nguyên cám (bột nguyên cám, lúa mạch đen, hướng dương), thịt, hạt họ đậu, các loại sản phẩm có chứa cám ngũ cốc, cũng như các sản phẩm được chế biến bằng cách sử dụng men.

3. Các đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin B1

Những đối tượng nào có nguy cơ thiếu vitamin B1?
Những đối tượng nào có nguy cơ thiếu vitamin B1?

Những người ăn nhiều tinh bột tinh chế kĩ, chế biến sẵn: thiamin có nhiều trong lớp màng ngoài của cám gạo. Thiamin còn dễ bị biến đổi do các tác nhân bên ngoài như ánh sáng, nhiệt độ, không khí. Do đó, ở những nơi ăn gạo trắng, xay xát quá kĩ hoặc sau mùa lúa chín bị ngập lụt lâu ngày, người dân dễ bị thiếu thiamin.

Người có chế độ ăn ít thịt cá: thiamin có nhiều trong thịt nạc và phủ tạng động vật. Do đó khẩu phần nghèo protein từ động vật cũng có nguy cơ thiếu thiamin.

Nghiện rượu mãn tính: ethanol trong rượu làm giảm hấp thu vitamin B1 tại ruột và thay đổi chuyển hóa vitamin do tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, tăng đào thải vitamin qua bài tiết ở thận. Hội chứng Wernicke-Korsakoff thường hay gặp ở những người tiêu thụ rượu trong thời gian dài dẫn đến thiếu hụt vitamin B1.

Phụ nữ có thai và cho con bú ở các nước thu nhấp thấp- trung bình: đặc biệt ở Nam Á và Đông Nam Á, chế độ ăn nghèo nàn và nhu cầu thiamin tăng lên trong thời kì này dẫn đến thiếu thiamin cho cả mẹ và trẻ sơ sinh. Những bà mẹ thiếu hụt thiamin sẽ dẫn đến trẻ cũng bị thiếu do thiamin không đủ để tiết vào sữa. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung thiamin cho phụ nữ mang thai và cho con bú làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Người sử dụng thuốc lợi tiểu trong thời gian dài hoặc chạy thận nhân tạo: có thể làm mất thiamin qua bài tiết.

Nuôi dưỡng tĩnh mạch lâu dài: bệnh nhân phụ thuộc vào dinh dưỡng đường tĩnh mạch hoàn toàn có nguy cơ thiếu vitamin B1 nếu công thức dinh dưỡng không được bổ sung vitamin B1.

Người hấp thụ vitamin B1 kém do các nguyên nhân:

+ Phẫu thuật đường tiêu hóa

+ Suy dinh dưỡng

+ Chán ăn kéo dài

Tài liệu tham khảo:

[1]      Phạm Văn Phú, Dinh dưỡng cơ sở. Nhà xuất bản Y học, 2016.

[2]      T. J. Smith và c.s., “Thiamine deficiency disorders: a clinical perspective”, Ann N Y Acad Sci, vol 1498, số p.h 1, tr 9–28, tháng 8 2021, doi: 10.1111/nyas.14536.

[3]      A. Tylicki và M. Siemieniuk, “Thiamine and its derivatives in the regulation of cell metabolism”, Postepy Hig Med Dosw, vol 65, tr 447–469, tháng 7 2011, doi: 10.5604/17322693.951633.

Nguồn bài viết: Viện Nghiên Cứu và Phát Triển Dinh Dưỡng (https://inrd.vn/)

Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong/

Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/