Đặc biệt lưu ý bổ sung Calci ở 4 nhóm đối tượng

Một số đối tượng cần đặc biệt bổ sung Calci.

Trong cơ thể người lớn, trung bình chứa 1200g Calci và 99% số này ở trong xương. Calci kết hợp với phospho là thành phần cấu tạo cơ bản của xương và răng, làm cho xương và răng chắc khỏe. Ngoài ra, Calci còn đóng vai trò là cofactor điều hòa các phản ứng sinh hóa, tham gia vào quá trình đông máu, dẫn truyền xung động thần kinh, cơ, hoạt động của tim, chuyển hóa của tế bào.

Đối tượng nào cần lưu ý bổ sung Calci?
Đối tượng nào cần lưu ý bổ sung Calci?

Dưới đây là một số đối tượng cần đặc biệt cần bổ sung thêm Calci:

1. Bổ sung calci ở phụ nữ có thai

Nhu cầu bổ sung Calci trong thai kì đã được công nhận rộng rãi. Sự hấp thụ Calci của thai nhi cao nhất ở 3 tháng cuối, đạt đỉnh điểm 350 mg/ngày và sự hấp thụ Calci của mẹ cũng tăng lên để đáp ứng nhu cầu đó. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ lượng Calci cần thiết, thai phụ có thể tăng nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ như tăng huyết áp dẫn đến tiền sản giật, sinh non hoặc các biến chứng về lâu dài như tăng nguy cơ gãy xương, loãng xương. Các nghiên cứu quan sát đánh giá chế độ ăn của người mẹ đã phát hiện ra mối quan hệ tích cực giữa lượng Calci cao trong chế độ ăn của người mẹ và sự phát triển xương tốt hơn của thai nhi và con cái sau này.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị nhu cầu Calci cho phụ nữ mang thai trong suốt thai kì là 1000 mg/ngày và ở những người mẹ có lượng Calci trong khẩu phần ăn không đủ có thể cân nhắc bổ sung Calci từ các nguồn khác.

2. Bổ sung calci ở phụ nữ cho con bú 

Nhu cầu Calci khuyến nghị cho phụ nữ sau sinh không thay đổi so thời kì mang thai do Calci của mẹ vẫn được huy động để tiết vào sữa cung cấp cho con. Lượng Calci tiết qua sữa mẹ hàng ngày dao động từ 150 mg-300 mg và được lấy chủ yếu từ xương và giảm bài tiết qua nước tiểu. Do đó nếu người mẹ không cung cấp đủ Calci trong thời kì này sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương và loãng xương, các cơn tetani cấp tính.

4 nhóm đối tượng cần đặc biệt lưu ý bổ sung calci
4 nhóm đối tượng cần đặc biệt lưu ý bổ sung calci

3. Bổ sung calci ở người trên 50 tuổi

Người lớn trên 50 tuổi bắt đầu có những biểu hiện của sự lão hóa xương do sự hấp thụ Calci ở ruột giảm và tăng bài tiết Calci ở thận. Đặc biệt, ở phụ nữ lứa tuổi mãn kinh, lượng hormone tiết tố estrogen giảm mà hormone này làm tăng quá trình tạo xương và ức chế các tế bào hủy xương. Do đó, sau 5 năm đầu sau mãn kinh, mật độ khoáng của xương suy giảm nhanh chóng và gây ra loãng xương. Lượng Calci khuyến nghị hàng ngày để dự phòng loãng xương cho đối tượng này là 1000 mg.

4. Bổ sung calci cho người sau gãy xương

Gãy xương có thể do tai nạn hoặc bệnh lý như loãng xương, viêm xương,… Quá trình liền xương có thể diễn ra từ 1-4 tháng. Trong quá trình hình thành xương cứng, các tế bào sụn cùng các hệ thống sợi collagen lắng đọng Calci và khoáng hóa sụn thành xương. Để thúc đẩy nhanh quá trình này, cần cung cấp đầy đủ các vitamin và dưỡng chất giúp tăng tái tạo xương và phát triển sụn như Calci, vitamin D, vitamin K, Magie, kẽm, đạm,… Sau đó là giai đoạn hồi phục hình thể xương như ban đầu có thể kéo dài từ một đến nhiều năm. Ngoài các biện pháp phục hồi chức năng, luyện tập thể dục thể thao, vẫn cần cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất để đảm bảo phục hồi tốt chức năng xương bị gãy.

Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong/

Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/

Nguồn:

  1. Hacker AN, Fung EB, King JC. Role of calcium during pregnancy: maternal and fetal needs. Nutrition Reviews. 2012 Jul 1;70(7):397–409.
  2. Viện dinh dưỡng. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. (2014)
  3. Olausson H, Goldberg GR, Laskey MA, Schoenmakers I, Jarjou LMA, Prentice A. Calcium economy in human pregnancy and lactation. Nutrition Research Reviews. 2012 Jun;25(1):40–67.
  4. Bacsituvan.vn. GÃY XƯƠNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ HỒI PHỤC SAU GÃY XƯƠNG [Internet]. [cited 2022 Aug 10]. Available from: https://bacsituvan.vn/benh/gay-xuong-va-qua-trinh-hoi-phuc-sau-gay-xuong