Trẻ sơ sinh khó ngủ, trẻ quấy khóc không chịu ngủ đặc biệt là về đêm là nỗi ám ảnh của hầu hết các ông bố bà mẹ. Không biết cách ứng phó sao cho đúng, bố mẹ dễ dẫn đến tình trạng mất ngủ, stress nặng nề, cảm giác bất lực và nhiều trường hợp rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh.
1. Nguyên nhân trẻ khó ngủ, quấy khóc
Trẻ có thể khóc vì nhiều lý do. Khóc là cách giao tiếp của bé trong những năm đầu đời. Bé khóc để gây sự chú ý của bố mẹ và là cách thể hiện nhu cầu của mình.
Những lý do phổ biến khiến trẻ sơ sinh khóc có thể kể đến như:
- Buồn ngủ hoặc mệt mỏi
- Tã ướt hoặc bẩn
- Đói, thèm bú
- Bị giật mình, chịu kích thích quá mức từ ánh sáng, tiếng ồn,..
- Bé bị đau bụng, gặp các vấn đề về tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, dị ứng thực phẩm, không dung nạp lactose.
- Bé mọc răng
- Đau hoặc ốm
- Tiếp xúc với người lạ, trẻ lo lắng hoặc sợ hãi
- Muốn được vỗ về, được ôm, bế hoặc đi dạo
2. Mẹo xử trí trẻ sơ sinh khó ngủ, quấy khóc
Trẻ khóc để thông báo cho bố mẹ về nhu cầu của mình, vì vậy việc đầu tiên bố mẹ cần làm là nhận biết nhu cầu và thỏa mãn nhu cầu của bé.
Nếu vẫn không thể dỗ bé nín, dường như khóc mà “không có lý do” bố mẹ đừng vội lo lắng. Bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây:
Cách 1: Quấn bé trong chăn
Quấn khăn lên người bé tạo thành hình tương tự như ổ (kén) của bé khi còn trong bụng mẹ. Việc quấn khăn cho bé giúp tái tạo môi trường trong bụng mẹ: ấm và chặt.
Phương pháp này giúp con không bị shock khi thay đổi môi đột ngột từ trong bụng mẹ ra môi trường rộng lớn bên ngoài. Bé được quấn khăn sẽ hạn chế việc khua tay chân, ít bị giật mình khi ngủ hơn, từ đó dễ dàng đi vào giấc ngủ, và sẽ ngủ ngoan.
Mẹ nên chọn quấn bé bằng khăn xô: mát, co giãn, và mềm mịn. Khi quấn tránh để khăn vào miệng, vì rất dễ khiến bé nghĩ là mình được cho bú. Quấn bé thật chặt tay để có thể giữ được tay chân cho bé. Nếu bé khóc lúc quấn khăn, mẹ không cần lo lắng mà hãy tiếp quấn vì nếu đã được ăn no và ợ hơi bé khóc là vì buồn ngủ.
Cách 2: Ôm trẻ nằm vào lòng mẹ
Bế trẻ để trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp vào lòng mình. Bế bé sao cho thân người bé thẳng thành một đường thẳng, bụng bé áp vào bụng mẹ. Hơi ấm của mẹ sẽ cho bé cảm giác an toàn, và được quan tâm vỗ về.
Việc vỗ lưng một cách thật nhịp nhàng như vậy đồng thời cũng giúp bé ợ, tống hết toàn bộ khí hơi ra ngoài. Khi có được cảm giác yên tâm và thân thuộc bé sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên khi bé đã đi vào giấc ngủ mẹ cần đặt con nằm ngửa ở thảm, giường của bé.
Cách 3: Hát ru nhẹ nhàng
Cho bé nghe nhạc, nhưng âm thanh dễ chịu và tiết tấu đều như tiếng à ơi hoặc hát ru của mẹ. Những âm thành này át đi những âm thanh khó chịu từ môi trường dùng để trấn an bé, đồng thời tạo thói quen giấc ngủ cho bé.
Cách 4: Giảm ánh sáng trong phòng
Giảm độ sáng của đèn và hạn chế các kích thích thị giác khác. Mẹ cần tạo cho bé một không gian yên tĩnh và thích hợp cho bé ngủ. Tắt hoặc giảm đèn, tránh để các vật có màu sắc sặc sỡ gây sự chú ý của bé. Một không gian lý tưởng sẽ giúp con có một giấc ngủ an lành.
Cách 5: Cho trẻ nghe tiếng ồn trắng
Tạo “tiếng ồn trắng” bằng một số những thiết bị chuyên dụng hoặc dùng điện thoại tải sẵn những đoạn âm thanh “tiếng ồn trắng”. Chú ý cho bé nghe từ điện thoại mẹ cần để máy ở chế độ máy bay để không ảnh hưởng đến con.
Cách 6: Đu đưa trẻ nhẹ nhàng
Tạo chuyển động nhịp nhàng dưới bất kỳ hình thức nào. Ví dụ, đưa em bé của bạn đi chơi trong xe đẩy hoặc ô tô, đưa võng,..
Cách 7: Xây dựng đồng hồ sinh học khoa học cho trẻ
Tập, tạo cho bé một đồng hồ sinh học khoa học từ những ngày đầu sau sinh. Việc tạo và tuân thủ đồng hồ sinh học giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ mà không cần quá nhiều sự hỗ trợ từ mẹ. Tuy nhiên tạo được thói quen ngủ cho bé là một quá trình lâu dài. Mẹ cần kiên trì xây dựng, tập luyện và có được sự ủng hộ từ cả gia đình.
Nếu mẹ bình tĩnh, kiên trì thì tình trạng quấy khóc của bé sẽ sớm được cải thiện. Tuy nhiên nếu tình trạng quấy khóc này kéo dài quá 3 tháng, hoặc trẻ có các biểu hiện, triệu chứng bất thường thì bố mẹ cần phát hiện và kịp thời đưa bé đến gặp bác sĩ để được chữa trị kịp thời.
Cùng với việc chăm sóc bé, bố mẹ cũng cần quan tâm đến sức khỏe và tinh thần của bản thân. Bạn nên:
- Cho phép bản thân có các khoảng nghỉ ngơi, có thể hỗ trợ thay nhau ngủ, đảm bảo có được một giấc ngủ dài trong ngày.
- Giữ gìn sức khoẻ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn uống nghỉ ngơi điều độ.
- Chia sẻ cảm xúc với bạn bè, người thân.
- Không tự tạo áp lực cho bản thân, loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực. Đừng đo lường sự thành công của bạn với tư cách là cha mẹ bằng cách con bạn khóc. Bé khóc đêm (khóc Colic –hội chứng colic) không phải là kết quả của việc nuôi dạy con kém và việc trẻ khóc không thể dỗ dành không phải là dấu hiệu cho thấy bé từ chối bạn.
- Chủ động chuẩn về mặt tâm lý. Tham gia các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, có thể tham gia các lớp hướng dẫn kỹ năng,..
- Nếu gặp các vấn đề về tâm lý hoặc dấu hiệu của trầm cảm bạn nên đến gặp bác sĩ tâm lý để có những tư vấn, biện pháp điều trị thích hợp.
- Ngoài ra, mẹ bỉm sữa cần được quan tâm và giúp đỡ từ tất cả mọi thành viên trong gia đình. Đặc biệt là từ chồng.
Để được tư vấn thêm hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/