TÁO BÓN – ĐẦY ĐỦ NHẤT VỀ NGUYÊN NHÂN, HƯỚNG DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Táo bón là một vấn đề ở đường tiêu hóa phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng, bất kỳ độ tuổi nào. An Care sẽ cung cấp cho bạn tổng quan nhất về nguyên nhân, hướng dự phòng và cách điều trị táo bón. Cùng tham khảo bài viết sau nhé:

1. Táo bón là gì?

a. Định nghĩa

Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, buồn mà không đi được, phải rặn mạnh, thời gian đi lâu hoặc nhiều ngày mới đi một lần và thường ít hơn 3 lần/tuần. Tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể dẫn đến bị táo bón mạn tính, táo bón kéo dài, người bệnh phải rặn nhiều, gây đau rát, thậm chí chảy máu hậu môn.

Táo bón kéo dài, không dứt có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh đại tràng, suy giáp trạng, tăng canxi máu, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể…

b. Đối tượng dễ mắc táo bón

Người già là đối tượng dễ mắc táo bón
Người già là đối tượng dễ mắc táo bón

Táo bón dễ gặp ở mọi đối tượng, từ táo bón ở trẻ sơ sinh, trẻ em đến táo bón khi mang thai, táo bón sau sinh và ở cả người già. Những nhóm người dễ mắc táo bón bao gồm:

  • Người lớn tuổi: có xu hướng ít vận động, hoạt động trao đổi chất chậm và lực co cơ dọc theo đường tiêu hóa kém.
  • Phụ nữ đặc biệt trong thời kỳ mang thai và sau sinh: sự thay đổi nội tiết cũng như sự phát triển của thai nhi làm chèn ép ruột, làm chậm quá trình di chuyển của phân
  • Người ăn ít chất xơ, uống ít nước, đặc biệt là trẻ em.
  • Người đang phải dùng các loại thuốc có tác dụng phụ lên đường tiêu hóa dẫn đến táo bón.
  • Người có bệnh lý liên quan đến hậu môn hoặc đại trực tràng…

Ở Việt Nam, những năm gần đây, tình trạng táo bón trong giới thanh niên, đặc biệt là những người làm việc nơi công sở đang ngày càng tăng mạnh, số người bị táo bón ngày càng lớn.

2. Nguyên nhân gây táo bón

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón. Trong đó, thường gặp nhất là những lí do sau đây:

a. Do chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học

Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến táo bón. Những chế độ không tốt đó bao gồm:

  • Uống ít nước, làm phân khô cứng.
  • Bổ sung quá ít chất xơ: ăn ít rau củ, trái cây, ngũ cốc…
  • Lười vận động, ngồi nhiều trong ngày, ít tập thể dục.
  • Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh khó tiêu.
  • Uống nhiều cà phê, trà, rượu…

b. Do yếu tố tâm lý

Lười đi cầu, nén hoặc nhịn việc đi cầu, do thói quen đi đại tiện không đều, bị mất ngủ, hoặc căng thẳng thần kinh là một trong những nguyên nhân gây táo bón.

c. Do mang thai

Ở phụ nữ đang mang thai, áp lực của tử cung đè lên ruột kèm thay đổi nội tiết tố làm cho nhu động ruột hoạt động kém hơn. Ngoài ra, chế độ ăn uống và dùng thực phẩm bổ sung như sắt – canxi trong thai kỳ cũng khiến bà bầu bị táo bón. Tình trạng táo bón kéo dài gần như trong suốt thai kỳ và sau thai kỳ do cơ thể chưa ổn định lại.

d. Do một số bệnh lý toàn thân, bệnh lý ngoại khoa

Một số bệnh lý toàn thân như: đột quỵ, suy dinh dưỡng,.. hay các bệnh lý ngoại khoa như: hẹp hậu môn, hẹp ruột, các khối u, phình đại tràng sigma… cũng dẫn tới tình trạng táo bón.

e. Do sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Một số loại thuốc có thể gây táo bón phổ biến bao gồm: Thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng cholinergic, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống viêm không steroid, thuốc có chứa chất gây nghiện, nhiều loại thuốc hướng tâm thần, thuốc chống co giật,…

3. Hướng dự phòng táo bón

Có những cách nào để dự phòng và điều trị táo bón?
Có những cách nào để dự phòng và điều trị táo bón?
  • Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ. Nguồn chất xơ tốt nhất là các loại trái cây tươi, rau, các loại đậu, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Uống đủ nước, với người lớn từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, trẻ em dưới 6 tháng tuổi không cần bổ sung thêm nước, trẻ lớn hơn tùy độ tuổi mà bổ sung lượng nước khác nhau.
  • Tránh các chất chứa caffeine.
  • Giảm các chất béo động vật.
  • Đi tiêu khi có nhu cầu, cảm giác muốn đi. Không nhịn tiêu, tiểu.
  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần. Trẻ em khuyến khích vận động mỗi ngày, tránh ngồi nhiều trước màn hình điện tử.

4. Hướng điều trị táo bón

Nếu thay đổi chế độ ăn khoa học, kèm vận động mỗi ngày mà tình trạng không được cải thiện, bạn có thể cần khám và tư vấn của Bác sỹ chuyên khoa, để tránh các biến chứng nguy hiểm của táo bón.

Một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị táo bón gồm:

  • Thuốc bổ sung chất xơ
  • Men vi sinh bổ sung lợi khuẩn đường ruột.
  • Thuốc giữ nước, các chất thẩm thấu…
  • Thuốc kích thích tại chỗ: dạng dầu, bôi trơn tại chỗ.

Người bệnh nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc nào.

Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/dau-hieu-nhan-biet-tre-bi-tao-bon-nang/

Để được tư vấn thêm hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/