Tại Việt Nam dù chưa có thống kê cụ thể nhưng các bác sĩ nhi cho rằng, tỷ lệ trẻ dậy thì sớm đang gia tăng. Có những bé gái 5-6 tuổi có kinh nguyệt khiến cha mẹ vô cùng hốt hoảng, lo lắng. Cùng An Care tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về dậy thì nhé!
1. Dậy thì sớm là gì?
Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormon của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai).
Các biểu hiện của dậy thì bao gồm: tuyến vú bắt đầu phát triển ở trẻ gái và tăng kích thước thể tích tinh hoàn ở trẻ trai. Ngoài ra có thể có các biểu hiện như: tăng nhanh vọt của chiều cao, có lông mu, lông nách, mụn trứng cá, thay đổi tính khí, mùi cơ thể.
Dậy thì sớm gồm có hai nhóm:
- Dậy thì sớm trung ương tức là có sự trưởng thành của trục bao gồm ba bộ phận là trung tâm chỉ huy dậy thì ở não – tuyến yên (nơi sản xuất hormon kích thích hoàng thể tố (LH) để chỉ huy buồng trứng và tinh hoàn sản xuất hormon sinh dục) – tuyến sinh dục là tinh hoàn ở trẻ trai và buồng trứng ở trẻ gái.
- Dậy thì sớm ngoại biên tức là các biểu hiện dậy thì không phải do kết quả chỉ huy của trung tâm dậy thì ở não, mà do nguyên nhân tại buồng trứng như u nang buồng trứng ở trẻ gái, các nguyên nhân tại thượng thận ở trẻ trai như u vỏ thượng thận ở trẻ trai, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh gây sản xuất thừa hormon nam của thượng thận ở trẻ trai, u tinh hoàn.
Ngoài hai nhóm trên thì còn có nhóm phát triển sớm tuyến vú, hoặc mọc lông sinh dục sớm nhưng là sự khác biệt của bình thường chứ không phải bệnh lý.
2. Nên làm gì khi nghi ngờ bé bị dậy thì sớm
Nếu bạn nghĩ rằng trẻ đang có dấu hiệu bệnh dậy thì sớm, bạn cần đưa trẻ đến bác sỹ NỘI TIẾT NHI. Tại lần khám đầu tiên, bác sỹ chuyên khoa sẽ:
+ Hỏi bạn về các biểu hiện của trẻ và thăm khám tình trạng của trẻ
+ Đo chiều cao, cân nặng của trẻ
+ Các xét nghiệm có thể được chỉ định: chụp X-quang xương cổ tay của trẻ để tìm hiểu xem xương có đang phát triển với tốc độ bình thường so với tuổi của trẻ hay không; siêu âm buồng trứng và tử cung xem có phát triển nhiều hơn so với mức độ của trẻ cùng tuổi. Các xét nghiệm hormon tĩnh và động để đánh giá mức độ bài tiết hormon LH của tuyến yên. Có thể cần chụp thêm 1 số hình ảnh X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não để tìm nguyên nhân dậy thì sớm. Các xét nghiệm được lựa chọn do các các bác sỹ chuyên khoa quyết định dựa trên việc thăm khám cho trẻ.
Bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện vào buổi sáng. Trẻ có thể ăn uống bình thường trước khi xét nghiệm.
Từ kết quả khám và các xét nghiệm, bác sỹ chuyên khoa sẽ xem xét việc điều trị có mang lại lợi ích cho con bạn hay không để quyết định.
Các yếu tố quyết định chỉ định điều trị cho bé bao gồm:
- Tuổi của trẻ tại thời điểm chẩn đoán.
- Dự đoán chiều cao lúc trưởng thành: là yếu tố quan trọng nhất để quyết định điều trị.
- Ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ.
3. Tại sao phải điều trị dậy thì sớm
Các trẻ dậy thì sớm bắt đầu tăng vọt chiều cao sớm cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được điều trị, cho dù trẻ cao nhất lớp, vẫn có thể thấp nhất lớp về sau. Điều trị sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, nghĩa là trẻ có nhiều thời gian hơn để đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu bé được chẩn đoán muộn, khi gần kết thúc dậy thì, việc điều trị với mục tiêu làm tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không đạt được.
Trẻ gái có bệnh dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán trong khi trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, điều đó góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ.
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung Ương
Tìm hiểu các bài viết liên quan tại: https://ancarepharma.com/chu-de/kien-thuc-dinh-duong/
Để được tư vấn cụ thể hãy liên hệ với chúng tôi: https://www.facebook.com/ancarepharma/